Ông Joe Biden và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Ông Joe Biden và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Rạn nứt sâu sắc trong đảng Cộng hòa cản trở nỗ lực pháp lý của ông Trump

0:00 / 0:00
0:00

Sự chia rẽ và rạn nứt đang gia tăng bên trong đảng Cộng hòa liên quan đến việc bảo vệ nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump đối với kết quả bầu cử 2020.

Rạn nứt sâu sắc bên trong đảng Cộng hòa

Trong khi những thành viên quyền lực nhất kiên quyết ủng hộ Tổng thống Trump và cáo buộc của ông về việc có gian lận trong bầu cử, thì một số thành viên khác cho rằng, ông Joe Biden cần phải có bản đánh giá về an ninh quốc gia ngay lập tức, đồng thời kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump nên bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực.

Vẫn có những thành viên Cộng hòa cho biết, họ sẵn sàng giúp ông Trump có cơ hội để đưa vụ kiện ra tòa án, nhưng nhấn mạnh việc Tổng thống Trump bị thua tại các bang chiến địa quan trọng khiến ông sẽ khó có được thành công trong các vụ kiện pháp lý.

Nhiều người thừa nhận ông Trump có ít cơ hội để đảo ngược kết quả bầu cử. Một số tỏ ra bất bình khi Tổng thống Trump sa thải hàng loạt quan chức cấp cao trong Lầu Năm Góc và thay thế bằng các nhân vật trung thành với ông.

Thống đốc bang New Hampshire Chris Sununu, người từng ủng hộ ông Trump tái đắc cử, đã trở thành quan chức Cộng hòa mới nhất nói lên những điều mà ông Trump và đồng minh từ chối chấp nhận. Ông Chris Sununu cho rằng "vai trò lãnh đạo của ông Biden ngày càng lớn hơn" và những lựa chọn pháp lý của Tổng thống Trump có thể "tốn công vô ích".

"Joe Biden là tổng thống đắc cử. Tôi cũng có suy nghĩ giống như hầu hết người Mỹ rằng, ông ấy sẽ nhậm chức vào tháng 1/2021", ông Chris Sununu phát biểu với báo chí.

Đây là sự khác biệt về quan điểm so với phần lớn các quan chức trong đảng Cộng hòa – những người cho đến nay vẫn công khai từ chối chiến thắng của ông Biden. Sự phản đối đã gây khó khăn cho các nỗ lực của ông Biden nhằm có được quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ để tiến tới nhậm chức vào tháng 1/2020. Ông Biden vẫn chưa thể tiếp cận với nguồn tài trợ và các nguồn lực khác trong các cơ quan chính phủ.

Lo lắng về tác động của những rào cản đó đối với an ninh quốc gia, một số thành viên Cộng hòa nói rằng, ông Biden ít nhất nên được tiếp cận với bản ghi chép thông tin tình báo để nắm thông tin đầy đủ nhất về những mối đe dọa mà nước Mỹ phải đối mặt khi ông nhậm chức.

Tất nhiên, số lượng các thành viên đảng Cộng hòa bất đồng quan điểm với Tổng thống Trump vẫn chỉ là con số nhỏ. Theo AP, chỉ có một số ít trong số 53 thành viên ở Thượng viện và 5 người trong số 28 thống đốc Cộng hòa công khai công nhận ông Biden là Tổng thống đắc cử.

Nhiều đồng minh của ông Trump dù không nhận thấy cơ hội chiến thắng của ông nhưng vẫn chưa muốn thừa nhận thắng lợi của Joe Biden, đặc biệt khi chưa biết rõ liệu họ có tiếp tục giành quyền kiểm soát Thượng viện hay không.

Tổng thống Trump đã nhận được hơn 72 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 3/11 vừa qua, phá vỡ kỷ lục trước đó của ông, song vẫn kém Joe Biden gần 5 triệu phiếu phổ thông. Các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tin rằng, họ cần phải tiếp tục ủng hộ ông Trump và thúc đẩy sự đoàn kết bên trong đảng này trước cuộc bầu cử Thượng viện vòng 2 tại bang Georgia, vốn quyết định bên nào sẽ chiếm đa số ghế. Đó có thể là lý do tại sao, ngay cả khi truyền thông Mỹ tuyên bố chiến thắng của ông Biden, họ vẫn ủng hộ tổng thống thực hiện các nỗ lực pháp lý.

Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông Kevin McCarthy hôm qua (12/11) nói rằng ông Biden không cần các bản tóm tắt về thông tin tình báo vì ông Trump có thể vẫn là tổng thống trong năm 2021.

"Dù hiện giờ ông Biden không phải là Tổng thống nhưng vẫn chưa biết rõ liệu ông ấy có trở thành Tổng thống vào ngày 20/1/2021 hay không", ông Kevin McCarthy nói.

Kết quả bầu cử khó thay đổi

Theo AP, thắng lợi của ông Biden là điều rõ ràng vì ứng cử viên này đã vượt qua mức tối thiểu 270 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống đắc cử. Không có bằng chứng nào cho thấy có sự gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử năm nay. Trên thực tế, nhiều quan chức của 2 đảng phái chính trị công khai tuyên bố rằng cuộc bầu cử diễn ra rất tốt đẹp, còn các quan sát viên quốc tế xác nhận không có điều bất thường nào xảy ra.

Các vấn đề mà đội ngũ của ông Trump và các đồng minh của ông đưa ra đều là những vấn đề phổ biến trong mỗi kỳ bầu cử, chẳng hạn như chữ ký không hợp lệ, phòng bì bí mật và khả năng một số lượng nhỏ lá phiếu bị gửi nhầm hoặc bị thất lạc. Với việc ông Biden dẫn trước ông Trump về tỷ lệ phiếu bầu với cách biệt lớn, không vấn đề nào trong số này có thể gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Gạt bỏ sang một bên những cáo buộc và nghi ngờ, các quan chức liên bang và tiểu bang, cùng các công ty công nghệ tham gia vận hành bộ máy bầu cử hôm qua (12/11) tuyên bố, cuộc bầu cử ngày 3/11 là "cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) cho biết: "Không có bằng chứng cho thấy có bất cứ trung tâm bỏ phiếu nào xóa bỏ hoặc làm mất phiếu bầu, hay giạn lận bằng cách này hay cách khác". Cơ quan này nhấn mạnh: "Người Mỹ nên tin tưởng vào kết quả bầu cử, mặc dù chúng tôi biết có nhiều cáo buộc vô căn cứ hoặc những thông tin sai lệch về quá trình bầu cử".

Nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội nhấn mạnh, họ sẽ để ông Trump đệ trình các vụ kiện tụng khoảng một vài tuần trước khi các bang xác nhận kết quả bầu cử vào đầu tháng 12 và đại cử tri tiến hành bỏ phiếu vào ngày 14/12. Nhưng một số thành viên khác lại cảnh báo, cuộc chiến pháp lý của ông Trump có thể ảnh hưởng kết quả bầu cử và gây hại cho nền dân chủ Mỹ.

"Tôi lấy làm lo ngại về những cáo buộc vô căn cứ đang làm tổn hại hệ thống bầu cử của chúng ta", Thống đốc đắc cử bang Utah, ông Spencer Cox viết trên Twitter. Ông Spencer Cox cũng lưu ý trường hợp phe Dân chủ đã hoài nghi về thắng lợi của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Thống đốc bang Ohio, ông Mike DeWine, hồi đầu tuần này cho biết, người Mỹ chỉ nên thừa nhận kết quả bầu cử sau khi các thách thức pháp lý của tổng thống kết thúc, nhưng đến hôm qua (12/11), ông đã đột ngột thay đổi quan điểm, nói rằng: "Chúng ta cần công nhận cựu phó tổng thống là người chiến thắng. Ông Joe Biden là tổng thống đắc cử".

Sức ép lớn buộc ông Trump chấp nhận kết quả bầu cử

Sức ép buộc Tổng thống Trump phải thừa nhận kết quả bầu cử đã gia tăng khi các bang chiến địa quan trọng đối mặt với hạn chót phải xác nhận kết quả bỏ phiếu: chẳng hạn bang Michigan và Pennsylvania phải xác nhận trước ngày 23/11, còn Winconsin phải làm điều này trước ngày 1/12.

Theo CNN, mặc dù ông Trump có thể ngăn cản việc xác nhận kết quả kiểm phiếu bằng cách thuyết phục các thẩm phán rằng ông có bằng chứng về sự gian lận, nhưng vẫn có một thời hạn khác để thúc đẩy tiến trình này đó là ngày 8/12 – ngày cuối cùng các bang phải giải quyết xong những tranh cãi liên quan đến việc kiểm phiếu và công bố người chiến thắng trước khi các đại cử tri đi bỏ phiếu vào hôm 14/12.

Đến ngày 6/1, Quốc hội Mỹ sẽ tiến hành phiên họp toàn thể để chính thức kiểm phiếu đại cử tri. Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Mike Pence sẽ chủ trì phiên họp và thông báo tên người chiến thắng. Người chiến thắng sau đó sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump vẫn không chấp nhập thua cuộc ngay cả khi các nỗ lực pháp lý của ông thất bại. Thượng nghị sỹ Shelley Moore Capito tại bang Tây Virginia nói rằng: "Đó là một tình huống khác biệt. Chúng ta phải chờ đợi và xem liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không".

Tin bài liên quan