Rầm rộ mua bán trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Vàng lao dốc, thị trường chứng khoán đi xuống khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp đang được xem là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trái phiếu doanh nghiệp đang được xem là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tấp nập chào bán

Trên các “chợ trái phiếu”, nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp đang được tấp nập chào bán cho các nhà đầu tư cá nhân. Một trong những trái phiếu doanh nghiệp được chào bán với lãi suất cao nhất (13%/năm) là trái phiếu của Apec Group - doanh nghiệp vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 600 triệu đồng vì bán trái phiếu chui.

Bên cạnh đó, trái phiếu của Tân Hoàng Minh, DRH Holdings, LDG, TPG-Invest… cũng liên tục được chào bán, với lãi suất 10-13% tùy từng kỳ hạn. Đa phần trái phiếu được cam kết mua lại bởi chính đơn vị phát hành, được đảm bảo bằng bất động sản hoặc cổ phiếu.

Bất chấp các quy định cấm bán trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, các đơn vị phát hành đều có nhiều cách để lách quy định. Chưa có số liệu thống kê cụ thể 2 tháng đầu năm, nhưng chỉ tính riêng trong năm 2021, các công ty chứng khoán mua tới 109.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và 80% số TPDN đó được “sang tay” nhà đầu tư cá nhân.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, hơn 40% giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ nằm trong tay nhà đầu tư cá nhân, dù rất nhiều trong số đó không có chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức không đủ điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư gặp khó khăn, giá vàng lao dốc, bất động sản đòi hỏi vốn lớn, thị trường chứng khoán đi xuống, lãi suất tiết kiệm thấp, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang tìm đến kênh trái phiếu doanh nghiệp để vừa đảm bảo khả năng sinh lời, vừa có tính an toàn tương đối.

Theo ông Đào Phúc Tường, chuyên gia của Viện CFA, năm 2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh khiến nhiều nhà đầu tư không để ý đến kênh trái phiếu doanh nghiệp. Tuy vậy, sang năm 2022, khi định giá cổ phiếu không còn hấp dẫn, trái phiếu doanh nghiệp sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn vì vừa có tính thanh khoản cao, lại vừa có lợi tức hấp dẫn, cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng.

Mặc dù vậy, việc hàng trăm ngàn nhà đầu tư không chuyên nghiệp tham gia thị trường trái phiếu mà không am hiểu về thị trường cũng như doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính nhà đầu tư cũng như cho thị trường.

Kênh đầu tư hấp dẫn, song nhiều cạm bẫy

Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, 2 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%.

Còn theo số liệu của FiinPro, 2 tháng đầu năm, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường đạt gần 26.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của khối doanh nghiệp bất động sản 2 năm qua tăng hơn 60%.

Dư địa tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là rất lớn, bởi quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam còn nhỏ bé so với khu vực. Tuy vậy, sự tham gia ngày càng nhiều của những nhà đầu tư không chuyên khiến thị trường đang xuất hiện nhiều “bẫy lãi suất”, bẫy thanh khoản.

Ngoại trừ trái phiếu doanh nghiệp của khối ngân hàng (hầu như chỉ bán chéo cho nhau, không phát hành ra nhà đầu tư cá nhân), thì phần lớn trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Tuy vậy, lượng dự án mở bán hạn chế trong 2 năm qua, trong khi lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành kỳ hạn ngắn rất lớn, có thể thấy áp lực trả nợ ngắn hạn với nhà phát hành là rất lớn.

TPDN là kênh huy động vốn quan trọng bậc nhất với doanh nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tuy vậy, ở nước ta, kênh huy động vốn này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với nhà đầu tư do nhà phát hành chủ yếu ở lĩnh vực đầu cơ. Việc siết chặt quy định là cần thiết, song với phát hành trái phiếu riêng lẻ tới đây, Bộ tài chính không nên quy định quá chặt.

- TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh, trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào các phân khúc đầu cơ mà ít đi vào sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn những rủi ro lớn. Dòng vốn trái phiếu chủ yếu đổ vào lĩnh vực đầu cơ, trong khi đường đi của tiền lại không thể kiểm soát, khiến tình trạng phổ biến là doanh nghiệp sử dụng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, mua dự án, mua bán doanh nghiệp…, gây ra nhiều hệ lụy khác cho thị trường và cho cả ngân hàng.

Vì vậy, để làm lành mạnh thị trường này, theo TS. Nghĩa, vấn đề quan trọng nhất là phải minh bạch thông tin tài chính và mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành, đồng thời phải có thị trường trái phiếu thứ cấp để tăng tính thanh khoản.

Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương xây dựng sàn mua bán trái phiếu thứ cấp, kỳ vọng sẽ ra mắt cuối năm nay. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp để siết lại chất lượng trái phiếu này.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu siết quá chặt thì thị trường lại đóng băng. Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, nếu doanh nghiệp bị siết cả kênh trái phiếu, thì việc phục hồi kinh tế càng trở nên nan giải.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, không thể có quy định nào loại bỏ hết rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Để phát triển thị trường này, chỉ nên tăng các quy định để tăng minh bạch, chứ không phải bằng cách đưa ra các rào cản.

Đồng tình với ý kiến trên, các công ty chứng khoán cũng cho rằng, chỉ nên đưa ra quy định để hạn chế bớt rủi ro và phân loại mức độ rủi ro nhằm cảnh báo nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư phải dựa trên hiểu biết và khẩu vị rủi ro của mình để đưa ra quyết định cũng như tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tin bài liên quan