Về dài hạn, cạnh tranh giữa các CTCK bằng phí giao dịch chỉ là bước đầu tiên

Về dài hạn, cạnh tranh giữa các CTCK bằng phí giao dịch chỉ là bước đầu tiên

Rầm rộ khuyến mãi phí giao dịch

(ĐTCK-online) Các CTCK đang đua nhau khuyến mãi phí giao dịch nhân dịp ngày Quốc khánh 2/9 để thu hút khách hàng.

CTCK Vinasecurities (VNSC) chọn đúng thời điểm kỷ niệm Quốc khách 2/9 gắn với sự kiện quan trọng là trở thành thành viên chính thức của Sở GDCK TP.HCM để áp dụng mức phí ưu đãi 0,1% trên tổng giá trị giao dịch từ ngày giao dịch đầu tiên 28/8 cho đến ngày 30/9 đối với tất cả khách hàng mở tài khoản tại VNSC.

CTCK SeaABank (SeABS) cũng nhân kỷ niệm ngày lễ lớn này khai trương chi nhánh tại TP. HCM  ở số 81-83, đường Cách mạng Tháng Tám, Quận 1, áp dụng mức phí 0,2% cho tất cả nhà đầu tư có tài khoản SeABS Hà Nội từ ngày 2/9 đến ngày 2/10. Tại TP. HCM, SeABS miễn phí toàn bộ giao dịch chứng khoán niêm yết đến ngày 30/9 và áp dụng mức phí ưu đãi 0,2% từ ngày 1/10 đến ngày 31/10.

CTCK Quốc gia áp dụng biểu phí giao dịch 0,2% cho khách mở tài khoản nhân dịp hoạt động từ ngày 27/8 đến ngày 27/9 tại Phòng giao dịch mới Đoàn Trần Nghiệp. CTCK APEC Hà Nội, chi nhánh APEC tại TP. HCM  và Hải Phòng sẽ miễn phí giao dịch cho các cổ phiếu niêm yết mới trong cả tháng 9 và tháng 10.

Việc miễn phí của các công ty, chi nhánh hay phòng giao dịch chứng khoán mới là nhằm lôi kéo khách hàng đến mở tài khoản. Mặc dù thừa nhận hoạt động của các sàn giao dịch ở thời điểm này là rất khó khăn do giá trị giao dịch giảm nhưng đại diện của một số sàn giao dịch cho biết, việc giảm phí giao dịch cũng là cách quan trọng để lôi kéo khách hàng ở bước đầu.

Ngoài tiêu chí gần nhà, đi lại thuận tiện, nhiều nhà đầu tư muốn mở tài khoản tại các CTCK được giảm phí ưu đãi, nhất là những người đầu tư theo kiểu bám sàn lướt sóng, đi chợ hàng ngày.

Trong suốt 2 tháng vừa qua, một nhóm nhà đầu tư nữ tại sàn chứng khoán APEC TP. HCM vẫn kiên trì lướt sóng hàng ngày để kiếm lợi nhuận, dù ít ỏi. “Chúng tôi có 2 tài khoản, có cổ phiếu cũ, cổ phiếu mới. Cứ canh mua vào, bán ra vài mã cổ phiếu mà mình nắm chắc như SFI, VNM, VNE… Phí giao dịch không đáng bao nhiêu nên mỗi lần mua bán vài trăm cổ phiếu cũng lời một, hai triệu đồng”, cô L ở sàn chứng khoán APEC nói.

Tuy mỗi lần đặt lệnh mua bán từ vài trăm đến 1.000 cổ phiếu nhưng số lệnh những nhà đầu tư nhỏ này đặt trong một tháng không phải nhỏ, nếu canh đúng nhịp, thực hiện đúng kỷ luật là lời từ 5 đến 10%, mang lại thu nhập vài triệu đồng đến chục triệu đồng/tháng từ lướt sóng cổ phiếu. “Phí giao dịch phải rất thấp, nếu phải tính thêm phí thì không bõ lướt sóng ở thị trường lúc này”, cô L nói và cho biết, đó là lý do vì sao cô chuyển về sàn APEC khi sàn này mới hoạt động và khuyến mãi phí giao dịch cách đây 2 tháng.

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐQT CTCK Quốc gia cho biết, phí giao dịch là câu chuyện với các CTCK bởi thời điểm hiện nay nếu “muốn hoà”, chỉ trông chờ vào môi giới là khó.

Bài toán đặt ra cho các CTCK mới mở hiện nay là thị trường không sôi động, nguồn thu ít, trong khi phải đầu tư lớn cho công nghệ, chuyên nghiệp hoá nhân sự. “Chúng tôi cũng phải tìm phương án đứng vững trong  thời điểm khó khăn hiện nay và chuyên nghiệp bộ máy. Nếu rệu rã, sau này thị trường sôi động trở lại sẽ không đáp ứng được”, ông Thành nói.

Theo phân tích của ông Thành, mức phí 0,2% đã thấp nhưng cũng chưa đủ để lôi kéo nhà đầu tư ở các sàn khác đến với sàn mới mở. “Khi thuyết phục nhà đầu tư mở tài khoản tại sàn, chúng tôi phải cam kết với họ 2 yếu tố: một là dịch vụ; hai là phí. Chúng tôi đang nghiên cứu chương trình kéo dài thời gian khuyến mãi giảm phí, thậm chí có mức phí riêng với đối tượng khách hàng đặc biệt để hấp dẫn nhà đầu tư khi họ muốn thay đổi địa điểm giao dịch”, ông Thành cho biết.

Tuy nhiên, về dài hạn, cạnh tranh giữa các CTCK bằng phí chỉ là bước đầu tiên. Ở thời điểm này, các công ty đang âm thầm chuẩn bị mọi mặt về công nghệ, tổ chức bộ máy cũng như cơ sở vật chất để chuẩn bị cho giai đoạn sôi động mới của TTCK.