Ảnh minh họa
Đầu năm 2012, ACB cấp hạn mức tín dụng 3 tỷ đồng thời hạn 12 tháng cho Công ty TNHH Khánh Đồng do ông Phùng Xuân Khai làm đại diện theo pháp luật để bổ sung vốn lưu động.
Sau đó, Ngân hàng đã giải ngân cho công ty này theo 18 khế ước nhận nợ, thời hạn cho vay đều là 6 tháng. Tài sản bảo đảm là quyền sở hữu nhà ở diện tích 55 m2 và quyền sử dụng đất ở 68,8 m2 tại địa chỉ số 69, tổ 32, ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội. Nhà và đất này đứng tên ông Phùng Xuân Hoàn, con trai ông Phùng Xuân Khai, Giám đốc Công ty Khánh Đồng. Hai bên đã lập hợp đồng thế chấp và sau đó ACB đăng ký giao dịch bảo đảm.
Quá trình thực hiện hợp đồng, ban đầu, Công ty Khánh Đồng đã trả gốc và lãi đầy đủ. Với 4 khế ước nhận nợ đầu tiên, Công ty Khánh Đồng và ACB đã tất toán, nhưng từ khế ước thứ 5 cho đến khế ước 18, Khánh Đồng không trả nợ đúng hạn. Do đó, ACB đã ra thông báo thu hồi nợ trước hạn vào ngày 9/3/2013 và nhiều lần ra thông báo nhắc nợ, nhưng Công ty Khánh Đồng vẫn không trả.
Đến tháng 5/3013, ACB có đơn khởi kiện yêu cầu Công ty Khánh Đồng trả nợ gốc là 3 tỷ đồng, lãi phát sinh đến ngày 4/5/2013 là 159 triệu đồng và lãi quá hạn phát sinh theo thỏa thuận trong hợp đồng đến ngày trả hết nợ. Trường hợp không trả được nợ, ACB đề nghị được phát mãi tài sản bảo đảm của bên thứ ba để đảm bảo thi hành án.
Quá trình giải quyết vụ án, đại diện của Công ty Khánh Đồng thừa nhận có việc vay nợ, thế chấp nhà đất và có trả được lãi tính đến 31/12/2012, nhưng sau đó do kinh tế khó khăn, việc làm ăn không thuận lợi, Công ty chưa trả được nợ cho Ngân hàng. Trong các tháng 2, 3, 5/2013, Công ty Khánh Đồng đã có 3 văn bản gửi ACB đề nghị được tất toán khoản vay, nhưng Ngân hàng không trả lời, làm số tiền lãi phải trả của Khánh Đồng tăng lên nhiều. Công ty Khánh Đồng đề nghị được bàn giao nhà đất là tài sản thế chấp cho Ngân hàng trong trường hợp không trả được nợ.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Chương Mỹ đã chấp nhận đơn khởi kiện của ACB buộc Công ty Khánh Đồng phải trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng. Số tiền gốc và lãi tạm tính đến ngày 14/3/2014 gồm tiền gốc 3 tỷ đồng, lãi trong hạn 172 triệu đồng, lãi quá hạn 638 triệu đồng, phạt 38 triệu đồng, tổng cộng là hơn 3,8 tỷ đồng. Công ty Khánh Đồng tiếp tục phải chịu tiền lãi từ ngày 15/3/2014 với nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi trả hết nợ. Nếu Công ty Khánh Đồng không trả được nợ, ACB có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản thế chấp bị giải tỏa bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì toàn bộ số tiền, tài sản đền bù là tài sản thế chấp cho ACB và ACB có quyền nhận tiền, tài sản đền bù tại cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, đến ngày 10/4/2014, Công ty Khánh Đồng có đơn kháng cáo vì cho rằng người đại diện của Công ty đã vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm do nhận được giấy triệu tập phiên tòa muộn, lịch xét xử gấp, chỉ cách có 2 ngày so với ngày hoãn phiên tòa nên không đến được. Quá trình phát sinh tính lãi, Ngân hàng không thông báo số lãi. Hơn nữa, tài sản thế chấp thuộc diện giải tỏa, theo Điều 38 Luật Đất đai, Điều 61, Nghị định 81 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì hợp đồng thế chấp chấm dứt, Ngân hàng không có quyền nhận tài sản, tiền đền bù.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Khai nhấn mạnh việc ACB không trả lời các công văn của Công ty Khánh Đồng đề nghị bàn giao tài sản thế chấp và tất toán toàn bộ khoản nợ dẫn đến lãi tăng lên. Tuy nhiên, đại diện ACB cho biết đã trực tiếp làm việc và trả lời không chấp nhận đề nghị của Công ty Khánh Đồng, bởi việc xử lý tài sản bảo đảm cần thực hiện theo quy trình, có bên thứ ba định giá, đưa ra bán đấu giá, không thể sang ngang theo kiểu giao nhà là hết nợ.
Về vấn đề tài sản thế chấp nằm trong quy hoạch, Tòa cấp sơ thẩm không xác minh làm rõ căn cứ thể hiện tài sản thế chấp nằm trong diện giải tỏa. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên cũng không xuất trình được tài liệu nào chứng minh điều này. Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã đề nghị cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm đồng thời sửa án sơ thẩm ở phần nội dung này.
Sau hai ngày xét xử, bản án phúc thẩm vẫn buộc Công ty Khánh Đồng phải trả 3,8 tỷ đồng cả nợ gốc và lãi tính đến ngày 14/3/2014, sửa án sơ thẩm theo hướng bỏ nội dung nếu trường hợp tài sản thế chấp bị giải tỏa thì ACB được quyền nhận tiền, tài sản đền bù tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.