Điều 347 của Bộ luật Dân sự cho phép thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự

Điều 347 của Bộ luật Dân sự cho phép thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự

Rắc rối phân định phạm vi tài sản bảo đảm

(ĐTCK) Pháp luật cho phép một khoản vay được bảo đảm bằng nhiều tài sản thế chấp, nhưng việc giải quyết và phân định rạch ròi phạm vi bảo đảm để không làm mất quyền lợi của các bên tham gia giao kết lại rất phức tạp.

Theo Điều 319, Bộ luật Dân sự 2005, các bên tham gia giao kết hợp đồng có thể thỏa thuận về việc áp dụng biện pháp bảo đảm đối với một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ. Phạm vi bảo đảm cần phải quy định rõ trong hợp đồng chính hoặc trong hợp đồng khác bổ sung. Nếu không quy định rõ thì biện pháp bảo đảm được áp dụng đối với toàn bộ nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại. Điều 347 của Bộ luật quy định, thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự. 

Bộ luật Dân sự 2005 cũng không hạn chế thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch dân sự về loại nghĩa vụ được áp dụng. Trừ trường hợp nghĩa vụ dân sự bị pháp luật cấm, các bên có quyền thỏa thuận việc áp dụng biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự được thực hiện hiện tại hay trong tương lai, nghĩa vụ không có điều kiện hoặc có điều kiện.

Trong vụ việc mới đây, một ngân hàng thương mại cổ phần “đáo tụng đình” vì phạm vi bảo đảm tài sản thế chấp không rõ ràng.

Theo đơn khởi kiện, năm 2011, ngân hàng cấp hạn mức tín dụng 24,4 tỷ đồng bằng 8 khế ước nhận nợ cho Công ty TNHH Tiến Đạt. Bên vay thế chấp các tài sản của bên thứ ba, trong đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Hà Thị Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội); ông Nguyễn Văn Chức (huyện Thanh Trì,  Hà Nội). Hai hợp đồng thế chấp này được công chứng và được đăng ký giao dịch đảm bảo đúng quy định.

Tỷ lệ bảo đảm hai tài sản trên được xác định như sau: tài sản của ông Chức đảm bảo cho khoản vay tối đa hơn 8,8 tỷ đồng (tương ứng 56%), nhà đất của bà Kim là 2,8 tỷ đồng (tương ứng 12%).

Khi ký hợp đồng thế chấp, các bên thỏa thuận cho khoản nợ gốc, lãi tối đa xác định cụ thể cho từng giá trị tài sản bảo đảm. Bên vay mới trả được phân nửa khoản nợ. Ngân hàng khởi kiện ra tòa đề nghị buộc Công ty TNHH Tiến Đạt thanh toán nợ gốc còn lại là 11 tỷ đồng và lãi trong hạn, lãi quá hạn. Nếu bên vay không thực hiện, ngân hàng đề nghị phát mại tài sản bảo đảm.

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy đã tuyên về phần xử lý tài sản đảm bảo nhưng không xác định rõ nghĩa vụ bảo đảm cho từng tài sản đối với khoản nợ theo thỏa thuận các bên.

Cơ quan công tố cho rằng điều này là không phù hợp với phạm vi và nghĩa vụ bảo lãnh, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Minh chứng là từ năm 2014, chủ tài sản là ông Nguyễn Văn Chức nhiều lần xin trả nợ thay Công ty để giải chấp nhà đất do cha ông để lại, nhưng không được ngân hàng chấp nhận.

Trong bản án sơ thẩm cũng không tuyên cụ thể, dẫn đến hiện tại nếu ông Nguyễn Văn Chức muốn nộp tiền, nợ gốc và lãi phát sinh lên đến 8,4 tỷ đồng. Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.

Một ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng rơi vào tình huống tương tự. Ngân hàng giải ngân số tiền 18 tỷ đồng cho doanh nghiệp chuyên kinh doanh nguyên vật liệu, nhiên liệu nhựa. Khối tài sản đảm bảo cho khoản vay trên gồm 5 bất động sản của các cá nhân. Rắc rối xảy ra khi doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng không phân định phạm vi bảo đảm khiến tranh chấp kéo dài.

Trong 5 tài sản bảo đảm, ngân hàng đã giải chấp 2. Trong khi đó, tất cả tài sản thế chấp đều liên đới bảo lãnh cho toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp. Khi phát sinh tranh chấp, ngân hàng cần phải tính toán cụ thể phạm vi từng tài sản bảo đảm. Để giải quyết dứt điểm và đảm bảo quyền lợi của các bên, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Tin bài liên quan