Chế biến cá tra (Nguồn ảnh: Anvifish)
Đứng thứ 4 trong Top 10 công ty chế biến và xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, song trong vòng 2 năm trở lại đây, hoạt động của AVF rất be bét. Doanh nghiệp nổi tiếng trên sàn vì liên tục bị Sở GDCK TP. HCM (HOSE) nhắc nhở chậm nộp BCTC, chậm công bố thông tin…, thậm chí có kỳ bị nhắc nhở đến 4 - 5 lần. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn chứng khoán chưa tổ chức được ĐHCĐ thường niên năm 2014.
Từ tháng 5 trở lại đây, AVF liên tục có biến động nhân sự, trong đó đáng chú ý nhất là việc thay tổng giám đốc như thay áo. Cụ thể, ngày 29/6/2014, HĐQT Công ty có Nghị quyết miễn nhiệm ông Lưu Bách Thảo khỏi chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty. Ông Nguyễn Thanh Hùng được bầu là chủ tịch mới, ông Trương Thanh Long giữ ghế Tổng giám đốc.
Đến ngày 26/8/2014, ông Lê Trọng An được bầu làm Tổng giám đốc thay ông Trương Thanh Long. Ngày 11/11, HĐQT Công ty lại miễn nhiệm ông An và bầu ông Ngô Văn Thu làm Tổng giám đốc.
Cùng với việc liên tục thay tổng giám đốc, các chức danh như thành viên HĐQT, kế toán trưởng, ban kiểm soát… cũng thường xuyên thay đổi. Thay đổi nhiều đến nỗi, trong công văn giải trình tới HOSE về việc chậm công bố thông tin kết quả kinh doanh quý III, doanh nghiệp này nói rằng, do tình hình nhân sự chuyên môn và nhân sự cấp cao có sự biến động lớn, làm ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành BCTC quý II và báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm, từ đó dẫn đến chậm trễ báo cáo tài chính quý III.
Trong các văn bản phát ra thị trường, doanh nghiệp này cũng phải đính chính không ít lần. Đơn cử, doanh nghiệp này phải đính chính báo cáo soát xét bán niên vì thông tin bà Nguyễn Thị Thanh, thành viên HĐQT miễn nhiệm ngày 30/6/2014 bị sai. Thông tin đúng phải là bà Nguyễn Thị Thanh Giang, miễn nhiệm thành viên HĐQT ngày 23/4/2014.
Theo điều lệ của AVF, tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Vấn đề nghiêm trọng là thay đổi tổng giám đốc, song AVF không đăng ký lại đăng ký kinh doanh. Cụ thể, kể từ khi ông Long làm tổng giám đốc thay ông Thảo, trên giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty, người đại diện theo pháp luật và là tổng giám đốc vẫn là ông Thảo, chứ không phải ông Long. Mãi đến ngày 29/8, AVF mới có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, trong đó có tên ông Lê Trọng An là tổng giám đốc.
Vậy có một vấn đề rất lớn đặt ra là, trong thời gian đảm nhận chức vụ tổng giám đốc, các giấy tờ, hợp đồng kinh tế… của Công ty do ông Long ký tên có hiệu lực pháp lý hay không? Ngoài ra cũng cần lưu ý thêm, trong thời gian này, Công ty đang thực hiện đợt phát hành ra công chúng, huy động vốn từ cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên. Vậy những giấy tờ, hồ sơ nộp cho cơ quan quản lý như UBCK, Sở giao dịch, cơ quan thuế, hải quan… ông Long hay ông Thảo đứng tên? Về mặt pháp lý, ai là tổng giám đốc thực, ai là tổng giám đốc “ma”?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong vòng 10 ngày làm việc, từ ngày ra quyết định thay đổi tổng giám đốc, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Theo báo cáo của AVF, toàn bộ số tiền huy động được qua phát hành thêm lên tới gần 100 tỷ đồng, doanh nghiệp đã giải ngân trong quý II và III vừa qua. Trong trường hợp có phát sinh khiếu kiện, vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào?
Cũng cần nói thêm rằng, không chỉ có chuyện mập mờ về nhân sự, việc công bố thông tin liên quan đến vấn đề này, AVF thực hiện được chăng hay chớ. Chẳng hạn, theo quy định, công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện như công ty nhận được thay đổi nội dung liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vậy nhưng mãi đến ngày 16/9, HOSE mới nhận được thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 5 (cấp ngày 29/8) về việc thay đổi nội dung vốn điều lệ và người đại diện theo pháp luật (ông An làm tổng giám đốc) của AVF.
Nhiều nhà đầu tư băn khoăn, chuyện gì đang xảy ra tại AVF và quyền lợi của những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mua cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn sẽ ra sao? Đây là doanh nghiệp đang niêm yết, nếu những thông tin về doanh nghiệp cứ mù mờ, vi phạm các quy định pháp luật về kinh doanh chứng khoán mà không bị xử lý, liệu có đảm bảo sự công bằng và chất lượng hàng hóa cho thị trường?