Rà soát việc nhập khẩu mặt hàng thép không gỉ

0:00 / 0:00
0:00
Tổng cục Hải quan vừa có yêu cầu các cục hải quan tiến hành rà soát, kiểm tra việc nhập khẩu thép không gỉ cán nguội, cán nóng ở dạng cuộn hoặc dạng tấm… để ngăn chặn trốn thuế.
Sẽ kiểm tra, rà soát việc nhập khẩu mặt hàng thép không gỉ cán nguội, cán nóng ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm, ống thép

Sẽ kiểm tra, rà soát việc nhập khẩu mặt hàng thép không gỉ cán nguội, cán nóng ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm, ống thép

Theo quy định hiện hành về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ, hàng hóa bị áp dụng thuế này là thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm có chứa 1,2% hàm lượng cac-bon hoặc ít hơn và chứa 10,5% hàm lượng crom trở lên, có hoặc không có các nguyên tố khác.

Thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc tấm được ủ hoặc xử lý nhiệt bằng phương pháp khác và ngâm hoặc được cạo gỉ để loại bỏ tạp chất dư thừa trên bề mặt cũng thuộc diện này. Những sản phẩm này có thể được tiếp tục xử lý với điều kiện là quá trình đó không làm thay đổi các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm.

Có 2 chủng loại sản phẩm được loại trừ là thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm nhưng không được ủ hoặc xử lý nhiệt và thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm với độ dày lớn hơn 3,5 mm.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan nhận thấy các dấu hiệu rủi ro về việc khai báo mô tả hàng hóa, trị giá hải quan đối với mặt hàng thép không gỉ để trốn thuế nhập khẩu, thuế chống bán phá giá và thuế giá trị gia tăng. Trong đó, nổi lên tình trạng cố tình khai báo, mô tả hàng hóa từ nhóm chịu áp dụng biệp pháp chống bán phá giá sang nhóm chủng loại sản phẩm được loại trừ.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng phát hiện mặt hàng thép không gỉ và ống thép không gỉ nhập khẩu có dấu hiệu kê khai trị giá thấp hơn so với các mặt hàng giống hệt, tương tự hoặc nguyên liệu chính cấu thành sản phẩm trên cơ sở dữ liệu.

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, kiểm tra việc nhập khẩu các mặt hàng thép không gỉ cán nguội, cán nóng ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm, ống thép không gỉ để đảm bảo thống nhất áp dụng, ngăn chặn các rủi ro về việc khai báo mô tả hàng hóa, trị giá hải quan đối với mặt hàng này.

Cụ thể, đối với các tờ khai hải quan chưa được thông quan, các cục hải quan tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu, tài liệu kỹ thuật... để xác định đúng mã HS.

Đối với các tờ khai hải quan đã được thông quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu tổ chức kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan hoặc trụ sở doanh nghiệp, thanh tra chuyên ngành đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Cục Kiểm định hải quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu sẽ rà soát các thông báo kết quả phân loại, thông báo kết quả phân tích đã ban hành đối với hàng hóa là thép không gỉ thuộc các tờ khai đăng ký từ ngày 26/10/2019 (ngày có hiệu lực của Quyết định số 3162/QĐ-BCT của Bộ Công thương về kết quả rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan) đến nay.

Trước đó, Công ty TNHH Tiến Đạt và 12 doanh nghiệp cùng ngành sản xuất, kinh doanh thép không gỉ đã cùng ký đơn kiến nghị gửi Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và nhiều cơ quan khác.

Trong đơn kiến nghị, các doanh nghiệp đã gửi thông tin về tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế chống bán phá giá, thuế VAT và các hành vi gian lận thương mại của một số nhà nhập khẩu trong nước.

“Mục đích của các nhà nhập khẩu này là trục lợi, gây thất thu thuế của nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường thép không gỉ của Việt Nam, đẩy doanh nghiệp sản xuất trong nước vào tình thế khó khăn”, thư kiến nghị của các doanh nghiệp gửi Ban chỉ đạo 389 và các cơ quan liên quan viết.

Hành vi gian lận được chỉ rõ là cố tình khai sai tên hàng, tính chất cơ lý của lô hàng nhập khẩu để đổi từ hàng hóa có thuế suất thuế chống bán phá giá (31,85%) sang loại hàng có thuế suất nhập khẩu thông thường (10%).

Một số trường hợp khác là giảm giá nhập khẩu so với giá thực tế.

Tin bài liên quan