Hiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước tính đến quý II/2020 tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019, từ mức 7,3% lên 14,6%. Tuy nhiên mức độ này còn thấp so với mục tiêu giai đoạn 2019 - 2020, tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 4 mà Chính phủ đặt ra.
Cổng PayGov là một nền tảng số quan trọng đóng góp cho sự thành công của mục tiêu nói trên, hướng tới xã hội không tiền ra mặt.
Cổng PayGov cho phép hơn 100 triệu khách hàng sử dụng thẻ nội địa và tài khoản thanh toán của tất cả các ngân hàng Việt Nam dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên phạm vi 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Theo đánh giá, Cổng PAYGOV có nhiều tính năng nổi trội như thanh toán trực tiếp các khoản phí, lệ phí, tự động trả phí định kỳ, tra soát - khiếu nại, quản lý rủi ro, gian lận giả mạo.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, PAYGOV cho phép các đơn vị cung cấp dịch công quản lý chi tiết từng khoản thanh toán, theo dõi các luồng tiền được chuyển trực tiếp vào kho bạc nhà nước.
Trước mắt, PAYGOV triển khai dịch vụ thanh toán hành chính công, tiến tới là thanh toán dịch vụ thiết yếu như thanh toán hóa đơn điện, nước, nộp phạt vi phạm hành chính.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyễn Thành Hưng cho biết, Cổng PayGov không làm chức năng thanh toán trực truyến mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành địa phương kết nối và các hệ thống trung gian thanh toán.
Hiện Cổng PayGov đã kết nối với 9 trung gian thanh toán như Napas, VNPay, NGANLUONG JSC, FPT Telecom, Viettel Digital... Trong đó, Napas là một trong các đơn vị đầu tiên được Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tham gia xây dựng giải pháp thanh toán và quy trình nghiệp vụ thanh quyết toán cho Cổng PayGov.