Ngày 21/9, VCCI ra mắt Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam - VBII.
VCCI đã qua 10 năm nỗ lực thúc đẩy kinh doanh liêm chính ở Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI nhắc lại giai đoạn bắt đầu của hành trình thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt nam của VCCI.
VCCI cũng là cơ quan khới xướng mạng lưới kinh doanh liêm chính tại Việt Nam. Và việc ra mắt chí VBII là một dấu mốc mới đầy ấn tượng trong hành trình thúc đẩy kinh doanh liêm chính tại Việt Nam, ông Vinh nhấn mạnh.
“Chúng tôi đã từng nhận được nhiều câu hỏi, muốn kinh doanh liêm chính, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Và VBII là kết quả để chúng tôi trả lời cho các doanh nghiệp. Chúng tôi muốn doanh nghiệp Việt Nam không còn mơ hồ trong việc lồng ghép tính liêm chính vào hoạt động của mình, tiếp cận gần hơn với tiêu chuẩn kinh doanh quốc tế”, Phó chủ tịch VCCI chia sẻ với các doanh nghiệp có mặt tại Lễ ra mắt cũng như các doanh nghiệp tham gia trực tuyến.
Theo các chuyên gia VCCI, kinh doanh liêm chính không thành hành động của doanh nghiệp nếu không nằm trong tư duy của người lãnh đạo. Nên văn hóa là yếu tố đầu tiên được nhắc đến trong VBII.
“Chỉ khi xây dựng được văn hóa kinh doanh liêm chính, mới có thể bước tiếp trong thực hiện VBII trong doanh nghiệp”, ông Vinh chia sẻ với các doanh nghiệp.
Chỉ số được xây dựng dựa trên 7 yếu tố cần thiết để xây dựng và vận hành 1 doanh nghiệp dựa trên tính liêm chính, bao gồm văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo); quy tắc ứng xử, kiểm soát, giao tiếp, ứng xử (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững); tuân thủ và chứng nhận đạt chuẩn.
VBII được khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vón đầu tư nước ngoài hay công ty có vốn nhà nước.
Nói một cách khác, bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.
Tuy nhiên, thực trạng đang chi ra rằng, không phải tất cả doanh nghiệp đều đang thực hiện kinh doanh liêm chính. Một báo cáo khảo sát doanh nghiệp do VCCI và UNDP công bố tháng 6 vừa qua cho thấy, cứ 3 doanh nghiệp tham gia mua sắm công thì ít nhất có 1 doanh nghiệp ghi nhận các khoản thanh toán không chính thức nhằm có được các hợp đồng.
Đáng lo hơn là văn hóa hoa hồng hoặc các khoản chi phí không chính thức đã trở thành quen thuộc đến mức doanh nghiệp sẵn sàng trả ngay khi không có ai yêu cầu.
Phát biểu tại Lễ công bố, ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, VBII nếu được các doanh nghiệp sử dụng một cách trung thực và minh bạch sẽ góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của đất nước.
“Chúng ta không thể thúc đẩy sự liêm chính trong kinh doanh một cách đơn độc Nó là một phần không thể thiếu của hành vi kinh doanh có trách nhiệm”,ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
VBII được xây dựng với sự hỗ trợ của Dự án FairBiz, 1 sáng kiến cấp khu vực của UNDP do Chính phủ Anh tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế ASEAN, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở 6 quốc gia (gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).