Giá đất tạm tính
Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 1/1/2012 (thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa), Tổng công ty Viglacera đang quản lý tổng diện tích đất 12.013.475,6 m2 (hơn 12 triệu m2), trong đó TP. Hà Nội gồm 10 lô đất, khu vực tỉnh Bắc Ninh 5 lô đất, Quảng Ninh 2 lô, Bình Dương 3 lô và TP.HCM 1 lô đất.
Tổng công ty đã lập phương án sắp xếp lại nhà đất và đã được UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Tài chính chấp thuận và Bộ Xây dựng phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất.
Về xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hoá tại thời điểm 31/12/2011, đơn vị thực hiện xác định lại giá trị trên cơ sở diện tích đang sử dụng, phương án sử dụng và giá đất tương ứng, cụ thể: Tại TP. Hà Nội, Bắc Ninh, giá đất áp dụng là giá đất tạm tính theo bảng giá năm 2012 hoặc giá đất theo quyết định tính tiền sử dụng đất. Tại Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản về việc phê duyệt giá đất để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp đối với các lô đất xây dựng nhà ở...
Tuy nhiên, đến thời điểm làm hồ sơ quyết toán bàn giao doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, giá đất tại các lô đất trên vẫn là giá tạm tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh công bố năm 2012. Giá đất tạm tính này là không phù hợp với Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Luật Đất đai năm 2013.
Các lô đất đã có quyết định giao đất cho công ty cổ phần và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ doanh nghiệp cổ phần hoá sang công ty cổ phần khi chưa có ý kiến giá đất theo giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng tương tự thực tế trên thị trường cũng được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là chưa phù hợp với Nghị định 59 và Thông tư 202/2011/TT-BTC.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét xử lý các tồn tại hạn chế, các vấn đề lưu ý tại phần kết quả kiểm toán trước khi phê duyệt báo cáo quyết toán bàn giao vốn tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần. Cụ thể: Đến thời điểm làm hồ sơ quyết toán bàn giao doanh nghiệp, giá đất của một số khu là giá tạm tính. Trên cơ sở ý kiến của các địa phương về giá đất, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét quyết định giá trị quyết toán vốn nhà nước theo quy định. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Viglacera giải quyết dứt điểm các tồn tại trong xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Không biết đến bao giờ?
Vì sao phải dùng giá đất tạm tính? Theo một lãnh đạo Tổng công ty Viglacera, khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Tổng công ty đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét, phê duyệt giá trị đất, tuy nhiên quá 30 ngày không có trả lời. Theo hướng dẫn tại Nghị định 59 và Thông tư 202/2011/TT-BTC, trường hợp chưa có phê duyệt của các địa phương, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện cổ phần hóa và ghi rõ trong công bố thông tin đây là giá đất tạm tính.
Giá đất là nút thắt lớn nhất khiến không thể xác định được giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Cho đến nay, khi doanh nghiệp thực hiện quyết toán cổ phần hóa, đây tiếp tục là nút thắt lớn nhất khiến không thể xác định được giá trị doanh nghiệp, vì Hà Nội không phê duyệt giá trị đất với lý do không có các thông tư hướng dẫn làm căn cứ tính toán. Không quyết toán được vốn thì không thể thoái hết vốn nhà nước trong năm 2019 theo Quyết định đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng mới đây đã phải báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Giải pháp được tính đến là Bộ Xây dựng vẫn triển khai việc thoái vốn nhưng sẽ công bố thông tin rõ những lô đất tạm tính giá trị, sau khi có quyết định về giá đất chính thức của các cơ quan có thẩm quyền, nếu giá trị doanh nghiệp đội lên, doanh nghiệp phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước và các nhà đầu tư phải chấp nhận.
Khi được hỏi về vấn đề này, giám đốc một công ty quản lý quỹ nước ngoài cho biết, sẽ không có nhà đầu tư nước ngoài nào “dũng cảm” bỏ ra số tiền lớn để mua lại phần vốn nhà nước tại Viglacera nếu giá trị doanh nghiệp lửng lơ như vậy. Ai dám chắc không có khả năng đến một ngày nào đó, các cổ đông của Viglacera phải gánh thêm một khoản tiền lớn do giá đất đội lên rất cao. Đây là một rủi ro không thể quản trị, bởi chính sách liên quan đến đất đai tại Việt Nam không rõ ràng.
Liệu đây có phải là một lý do để các nhà đầu tư nước ngoài thờ ơ bỏ vốn chiến lược vào Viglacera và những nhà đầu tư như Dragon Capital đã phải vội vàng nói lời chia tay?