Quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết trong 5 năm (2017-2021), việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 24/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết theo Nghị quyết số 66/2013/QH13, đến năm 2020, dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744km. Đến nay, đã hoàn thành 2362km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211km; còn lại khoảng 171km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng.

Các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu, nguồn vốn đã bố trí để đầu tư các dự án thành phần là 79.022 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, công tác quyết toán dự án được thực hiện tuân thủ theo các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Tài chính, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu, cụ thể: đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài 1.350km (giai đoạn 1) đã phê duyệt quyết toán năm 2016. Đối với các dự án thành phần còn lại, công tác quyết toán được thực hiện ngay sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Đến nay, đã phê duyệt quyết toán toàn bộ 35 dự án thành phần, đưa vào khai thác 859km bảo đảm tiến độ theo quy định; còn 5 dự án thành phần dài 153km đang hoàn thiện thủ tục để quyết toán.

Ông Nguyễn Văn Thể cũng cho biết đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng, có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, xóa đói giảm nghèo, Đảng và Nhà nước rất quan tâm và bố trí nguồn lực để triển khai dự án.

Giai đoạn từ năm 2000-2011, dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 nên nhiều dự án phải dừng, giãn tiến độ, trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh. Do đó, giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015, mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít dự án giao thông nói chung và các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư.

Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66/2013/QH13.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng cho biết Chính phủ đề xuất giai đoạn 2021 đến năm 2025 tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai; cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận.

Đối với đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến chỉ chuẩn bị đầu tư, tận dụng quốc lộ 32, quốc lộ 21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe. Tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh.

Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.

Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết trong 5 năm (2017-2021), việc triển khai dự án chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần, nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Đối với nguồn vốn thực hiện dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng số liệu, đảm bảo thống nhất, tính chính xác trong việc cân đối bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án; thứ bậc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thành phần trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến; việc tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Đầu tư công và các nghị quyết của Quốc hội.

Cơ bản nhất trí với hạn chế và một số nguyên nhân được Chính phủ đề cập, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần phân tích rõ hơn một số nguyên nhân, trong đó có việc nhiều dự án quan trọng quốc gia được thực hiện trong cùng một thời điểm nên nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khó khăn trong việc phân bổ, cân đối nguồn vốn cho dự án; chưa đề xuất được các giải pháp khả thi, hiệu quả để bố trí vốn ngân sách nhà nước, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết…

Ủy ban đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần, các đoạn còn lại trong giai đoạn 2022-2025; báo cáo, đánh giá, làm rõ việc cân đối nguồn vốn 4.450 tỷ đồng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 triển khai 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận.

Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ trong việc tận dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21 thay thế khi đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến chưa được đầu tư, để phát huy hiệu quả toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Theo ông Lê Quang Huy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với đề xuất và cơ bản thống nhất với dự thảo nội dung về Dự án đường Hồ Chí Minh đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV theo Tờ trình của Chính phủ; xác định rõ mục tiêu triển khai hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng các đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi-Bến Nhất-Gò Quao-Vĩnh Thuận trong giai đoạn 2022-2025.

Đối với đoạn Cổ Tiết-Chợ Bến (thuộc dự án thành phần Đoan Hùng-Chợ Bến), làm rõ phương án đầu tư trong thời gian tới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Trường hợp thay đổi phương thức đầu tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định và nội dung này cần được thể hiện trong Nghị quyết của kỳ họp.

Tin bài liên quan