Cải cách để thúc năng suất lao động mạnh lên
“Năm 2016, đất nước ta đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực vượt bậc, các chỉ tiêu quan trọng mà Quốc hội giao đều đã đạt được. Nhiều vấn đề tưởng chừng không thể vượt qua được, nhưng cuối cùng chúng ta đã vượt qua, chính là nhờ có sức dân, sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp”.
Thủ tướng phát biểu và đánh giá, một trong những kết quả nổi bật của năm 2016 là môi trường đầu tư, kinh doanh đã có sự cải thiện. Bằng việc thực hiện Nghị quyết 01, Nghị quyết 19 và nhiều dự án Luật mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối soạn thảo, nhiều vấn liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, đất đai, hải quan…đã có sự cải thiện, tạo sự thông thoáng hơn nhiều cho người dân và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, Việt Nam đang tụt hậu so với chính mình, nhất là về chỉ tiêu năng suất lao động. Năng suất lao động tổng hợp của đất nước giai đoạn 1990-2005 khoảng 2,5%, nhưng trong 10 năm qua, tức là từ năm 2006 đến nay, chỉ tiêu này chỉ còn 0,5%.
“Sự sút giảm nghiêm trọng này khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế suy giảm và đây chính là điểm cốt lõi mà các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ có vai trò xây dựng chính sách, chiến lược vĩ mô cho đất nước, phải trăn trở, phải tìm cách vượt lên”, Thủ tướng nói.
Cải cách nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đòi hỏi xây dựng được một đội ngũ những con người có trí tuệ, khát vọng lớn. Thủ tướng đặt niềm tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác, để tư vấn cho Chính phủ các giải pháp chiến lược, đưa đất nước vượt qua thách thức của bẫy thu nhập trung bình.
Trong nỗ lực cải cách, thúc đẩy nền kinh tế, điểm tích cực, theo đánh giá của Thủ tướng, là niềm tin của người dân, của doanh nghiệp, của xã hội đã có sự tăng lên. Con số trên 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2016 là một minh chứng rõ nét cho thấy, ngày càng có nhiều người sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải cho đất nước.
Tại hội nghị, Thủ tướng một lần nữa khẳng định, nguồn lực trong dân ta còn rất lớn, việc thu hút nguồn lực này vào sản xuất kinh doanh là rất cần thiết và quan trọng. Thủ tướng cũng thẳng thắn chia sẻ, rất nhiều người hiểu rằng, thu hút nguồn lực trong dân là phải huy động vàng, ngoại tệ từ dân vào ngân hàng. Đó là cách hiểu sai quan điểm của Thủ tướng.
Theo Thủ tướng, thu hút được nguồn lực trong dân vào sản xuất, kinh doanh là việc phải làm sao giữ được giá trị của đồng tiền Việt Nam, để người dân tin tưởng, bỏ vốn vào kinh doanh, từ đó tạo ra việc làm, tạo ra của cải cho đất nước.
“Việc này cần rất nhiều nỗ lực, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò cơ quan tham mưu xây dựng thể chế, chính sách, quy hoạch phát triển, cần tiếp tục cải cách chính mình, làm tập trung trí tuệ, tri thức, xây dựng những chiến lược đúng, chính sách đúng, có giá trị trong cả ngắn hạn và dài hạn”, Thủ tướng nói.
Kể lại câu chuyện hồi mới nhậm chức, việc đầu tiên ông muốn làm là đến thăm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng một lần nữa thể hiện niềm tin và mong muốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xứng tầm là cơ quan tham mưu, xây dựng chiến lược phát triển quốc gia.
Với khối lượng công việc rất lớn, gần đây, một số dự án Luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đã chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận trình Quốc hội xem xét.
Thủ tướng cho rằng, trong quá trình xây dựng khung pháp lý mới, không thể tránh khỏi sự va chạm với các bộ, ngành khác, đòi hỏi người làm luật giữ sự liêm chính và công tâm, đặt mình ở vị trí người “làm cách mạng” mới có thể vượt qua những cản trở, khó khăn.
Ở vai trò là cơ quan lập kế hoạch vĩ mô cho đất nước, Thủ tướng chỉ đạo ngành kế hoạch phải đi trước thị trường một bước, thực hiện tốt chức năng lập kế hoạch cho Nhà nước, chứ không phải lập kế hoạch thay thị trường.
Ở điểm này, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần phản biện, cầu thị của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng nhiều lãnh đạo Bộ, các cục, vụ, viện trong Bộ, trong nỗ lực quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, chứ không tạo kẽ hở cho cơ chế xin - cho.
Khát vọng phát triển đất nước là khát vọng lớn nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chia sẻ với Thủ tướng và các nhân sự ngành kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2016 là một năm thực sự gian khó và cũng là năm vất vả của ngành kế hoạch và đầu tư.
Chúng ta đã vượt qua bằng cả bản lĩnh và trí tuệ, nhưng vượt qua được không có nghĩa là hài lòng với kết quả đạt được. Nhận diện những thách thức là để định hình những giải pháp, cách tiếp cận, phương pháp thực hiện, từ đó phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn là việc quan trọng nhất
phải làm.
Theo Bộ trưởng, có 3 thách thức lớn, đang và sẽ đeo bám trong năm 2017 và các năm sau đó. Thứ nhất là kinh tế bị tụt hậu; đó là vượt qua bẫy thu nhập trung bình; đó là thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Đất nước đã có nhiều đổi thay và phát triển. Nhưng nếu so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn là nước đứng ở vị trí thấp ở nhiều khía cạnh, nếu không muốn nói là Việt Nam đã phát triển dưới tiềm năng và khả năng cho phép.
Cụ thể, về quy mô nền kinh tế, Việt Nam đứng thứ 6; về thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam đứng thứ 7; về xếp hạng năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 5...
“Các nước nói trên sẽ không dừng lại để chờ chúng ta vượt và các nước phía sau lại đang có sự cải cách mạnh mẽ, họ sẽ không chịu đứng sau và sẽ sớm vượt qua Việt Nam nếu chúng ta không có sự bứt phá, cứ bước đi những bước chậm chạp”, Bộ trưởng nói.
Thách thức thứ hai là biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ diễn ra với tần xuất nhiều hơn, khả năng tàn phá sẽ lớn hơn. Ứng phó với biến đổi khí hậu là không đơn giản, đòi hỏi không chỉ ở giải pháp phù hợp mà còn cần phải có nguồn lực rất lớn. Nếu không thì mọi thành quả, mọi cố gắng, nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị phá hủy trong chốc lát, trong khi để khắc phục phải mất nhiều năm, chưa nói đến phát triển trở lại còn lâu hơn nữa.
Thách thức thứ ba là hội nhập quốc tế. Hội nhập sẽ gia tăng sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong khi sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Nếu không có sự phát triển nhanh, liên tục thì không những khó tham gia sân chơi hội nhập và còn có thể bị thua ngay trên sân nhà.
Làm thế nào để không tụt hậu và phát triển là câu hỏi lớn nhất với nền kinh tế hiện nay. Bộ trưởng khẳng định, khát vọng của đất nước cũng chính là khát vọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Đất nước ta còn đang thua nhiều nước xung quanh ở nhiều khía cạnh, điều đó hun đúc trong mỗi lãnh đạo, công chức, viên chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khát vọng bắt kịp các nước đi trước chúng ta”, Bộ trưởng nói.
Với nhiệm vụ tham mưu chiến lược về cơ chế, chính sách được đặt lên hàng đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm theo đuổi con đường đổi mới thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, bình đẳng; triển khai và thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
“Trong thời gian tới, mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô” luôn đặt lên hàng đầu. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành xuất sắc vị trí, vai trò “nhạc trưởng”, nhưng chúng tôi mong muốn nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, bộ, ngành và địa phương, nhất là trong điều phối kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng nói.
Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tăng thêm được 106 USD. Nhiệm vụ và cũng là khát vọng đặt ra đến năm 2020 là phải đạt 3.200 đến 3.500 USD/người. Như vậy mỗi năm phải tăng thêm ít nhất 250 USD nữa mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Để đuổi kịp các nước, nước ta phải phấn đấu theo cấp số nhân, phải đạt được mức thu nhập vào tốp đầu của các nước ASEAN.
“Khát vọng là lớn lao, nhiệm vụ là nặng nề nhưng nếu không có khát vọng, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái hài lòng với những gì đạt được, ngủ quên với chiến thắng của quá khứ mà mất đi ý chí, quyết tâm và động lực để phát triển”, Bộ trưởng nói.