6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 5,52%, thấp hơn mức tăng 6,32% của cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ là điểm sáng trong bức tranh GDP khi đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012, nhưng một số trụ cột khác lại giảm tốc, đặc biệt là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng âm. Để đạt được mục tiêu GDP năm 2016 tăng 6,7%, đòi hỏi GDP 6 tháng cuối năm phải tăng gần 7,6%.
Nhiều khó khăn, thách thức
Tại cuộc họp của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm nay, bàn giải pháp 6 tháng cuối năm, diễn ra ngày 30/6 và 1/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, 6 tháng đầu năm, bức tranh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi kinh tế trong nước gặp không ít khó khăn, thách thức.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, nhưng chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng đạt mức thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, các ngành then chốt gặp nhiều khó khăn. Giá dầu giảm sâu, hiện đang phục hồi nhưng chưa đảm bảo như tính toán, ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế quan trọng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đầu năm tới nay gặp phải biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn nhanh hơn, khốc liệt hơn dự kiến, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Tây Nguyên bị thiệt hại nặng nề do hạn hán ảnh hưởng đến cây công nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long mất vụ lúa làm giảm đáng kể sản lượng thu hoạch.
“Công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm do giá dầu giảm xuống mức thấp. Lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Góp phần ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong 6 tháng qua còn do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, 5 tháng đầu năm chỉ giải ngân được 81.876 tỷ đồng, tương đương 32,6% kế hoạch năm. Tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chậm là do các đơn vị liên quan lúng túng trong triển khai các quy định của Luật Xây dựng, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, năng lực của nhà thầu yếu kém...
Khu vực dịch vụ là điểm sáng trong bức tranh GDP 6 tháng đầu năm nay khi đạt mức tăng trưởng 6,35% - cao nhất kể từ năm 2012. Trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,1%; thông tin và truyền thông tăng 8,76%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,3%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 7,2%; giáo dục và đào tạo tăng 7,15%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,77% (mức cao nhất kể từ năm 2011)...
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tuy chưa đạt mong muốn và mục tiêu đặt ra, nhưng quý sau cao hơn quý trước. Lạm phát được kiểm soát, lãi suất tương đối ổn định và có xu hướng giảm, ngành xây dựng đạt mức tăng 8,8% - cao nhất kể từ năm 2010, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,35% - cao nhất kể từ năm 2012, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao, phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ nhờ tác động của việc thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Đồ họa: Ngọc Tuấn
Giải pháp cho 6 tháng cuối năm
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương trao đổi cần thẳng thắn, làm rõ nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó đạt mục tiêu tăng GDP đề ra cho năm nay là 6,7% như Quốc hội phê duyệt.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các kịch bản điều hành kinh tế từ nay đến cuối năm, để chủ động hơn trong triển khai có hiệu quả các giải pháp đề ra. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tài chính ngân sách, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, chống thất thu, nợ đọng thuế, đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng tăng trưởng tốt để đóng góp vào tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm như dịch vụ du lịch, tài chính, ngân hàng.
Thị trường tiền tệ cơ bản đã ổn định, tín dụng tiếp tục tăng trưởng, nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh: Dũng Minh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, song đáng lưu tâm là chỉ số đã tăng nhẹ dần đều trong 6 tháng qua. Mặc dù mức độ tăng chưa cao, nhưng đang có xu hướng tăng dần do tác động của giá dầu. Chính phủ đang xây dựng các kịch bản khác nhau để đối phó, nhưng vấn đề quan ngại nhất hiện nay là giá dầu, nếu vượt quá mức 60 USD/thùng sẽ là vấn đề lớn với hoạt động điều hành của Chính phủ.
Trong trường hợp này, Chính phủ sẽ điều hành theo hướng cân đối tổng thể, cố gắng không tăng các yếu tố khác đồng loạt và có sự điều chỉnh một cách phù hợp như điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục không cùng thời điểm, mức tăng không quá cao cho mỗi lần điều chỉnh.
Các giải pháp quan trọng trước mắt mà Chính phủ tập trung là hỗ trợ, khắc phục và phục hồi sản xuất, đời sống sinh hoạt cho người dân. Khắc phục tác động của thiên tai, lấy lại đà phục hồi cho nông nghiệp, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để ảnh hưởng đến lạm phát.
Đối với sự suy giảm của hoạt động xuất khập khẩu từ đầu năm, Chính phủ đang tập trung xem xét để có hướng chỉ đạo khôi phục lấy lại đà tăng trưởng, đảm bảo ổn định và tăng sản xuất. Về chính sách tiền tệ, hiện thị trường tiền tệ cơ bản đã ổn định, tín dụng tiếp tục tăng trưởng, nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Song để hỗ trợ doanh nghiệp tăng tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, lãi suất nên giảm thêm. Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án trình Chính phủ xem xét vấn đề này.
Sẽ có những thách thức lớn đặt ra đối với nền kinh tế trong thời gian tới, song Chính phủ quyết tâm giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Để đạt được các mục tiêu đã đặt ra đòi hỏi sự phấn đấu cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa của cả các cấp, các ngành và toàn cộng đồng doanh nghiệp.
Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo các quyết sách điều hành để đem lại hiệu ứng tích cực trong năm 2016, đặc biệt quyết tâm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết số 35 - 2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 19 - 2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng bước đà tăng tốc cho tăng trưởng kinh tế.
“Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trên sẽ có khả năng giúp GDP năm nay tăng 6,7% như mục tiêu đề ra, mặc dù đây là nhiệm vụ khó khăn, vì dư địa triển khai các giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế không còn nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, đồng thời cho biết, việc đề xuất tăng sản lượng khai thác dầu thô để hỗ trợ cho thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế cần cân nhắc thận trọng, trước mắt chưa nên triển khai, mà cần tập trung vào kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh…
Sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN về triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm nâng cao vị thế của đồng Việt Nam; thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, chỉ đạo triển khai có hiệu quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chỉ đạo tổ chức thực hiện có kết quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, xác định đây là chương trình lâu dài, thường xuyên, đảm bảo thiết thực bằng các cuộc đối thoại trực tiếp, định kỳ và các hợp đồng cam kết cho vay vốn cụ thể giữa ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn.
“Brexit ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam không nhiều”
Ông Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Một số ý kiến có sự nhầm lẫn khi coi Brexit (Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu - EU) là sự kiện kinh tế, trong khi đây là sự kiện chính trị có tác động đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh tác động trực tiếp, Brexit không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.
Về tác động gián tiếp thì cần theo dõi và đánh giá sâu sắc thêm. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm những tác động dây chuyền lên tỷ giá VND với các đồng tiền khác như: USD, Yên Nhật, Euro, Nhân dân tệ sẽ có tác động ra sao đến hoạt động xuất nhập khẩu, nợ quốc gia, rủi ro trên thị trường tài chính.
Việt Nam cần sẵn sàng các phương án để đàm phán lại với EU, Anh về các thỏa thuận thương mại. Việc này cần thúc đẩy ngay từ bây giờ cho đến 2 năm tới khi Anh hoàn tất thủ tục rời khỏi EU. Bộ Ngoại giao đề nghị các bộ, ngành, địa phương kịp thời thông tin để người dân nắm bắt diễn biến Anh rời khỏi EU, để tránh những thông tin suy diễn, tiêu cực.
“Kinh tế quý III và quý IV sẽ tăng trưởng nhanh hơn”
TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)
Một điểm đáng ghi nhận là dù tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2015, nhưng quý II đã có xu hướng tăng lên. Khả năng quý III và quý IV sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn vì đến nay nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như dệt may, da giày và nhiều ngành xuất khẩu đã có đơn đặt hàng đến quý III và quý IV.
Nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Bloomberg đều đưa ra dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ít nhất 6,3% trong năm nay. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, không ít diễn biến chính trị, kinh tế phức tạp tại nhiều quốc gia tác động tới sự ổn định và tăng trưởng kinh tế thì phải khẳng định con số dự báo này là khá lạc quan.
6 tháng đầu năm nay nổi lên động lực cho tăng trưởng mạnh mẽ nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặc dù xuất khẩu tăng chậm, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lớn, nhưng nhờ xuất siêu của khu vực doanh nghiệp FDI đã giúp bù đắp được phần này và hơn thế còn tạo cho cán cân thương mại xuất siêu 1,2 tỷ USD.
Khu vực này sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường hiệu quả và hiệu suất ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp FDI và cộng đồng doanh nghiệp nói chung nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, cùng nỗ lực góp phần thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thông thoáng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.