Trong năm 2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. HCM đã xử lý được 69.939 tỷ đồng nợ xấu

Trong năm 2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. HCM đã xử lý được 69.939 tỷ đồng nợ xấu

Quyết liệt tái cơ cấu, xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Đến cuối tháng 1/2017, trên địa bàn TP. HCM, nợ xấu vẫn chiếm tỷ trọng hơn 4% tổng dư nợ tín dụng và quy mô của nợ xấu (số tuyệt đối) chưa giảm nhiều.

Hai vấn đề cần lưu ý

Trong năm 2016, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. HCM đã xử lý được 69.939 tỷ đồng nợ xấu. Tháng 1/2017, các tổ chức tín dụng xử lý và thu hồi được hơn 4.234 tỷ đồng nợ xấu; trong đó, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro trên 868 tỷ đồng, khách hàng trả nợ bằng tiền hơn 2.549 tỷ đồng, bán tài sản bảo đảm 24 tỷ đồng, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 6,7 tỷ đồng…

Những kết quả đạt được trong xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quý I/2017 là rất quan trọng, có ý nghĩa tích cực, là nền tảng để hoạt động ngân hàng tăng trưởng, phát triển.

Tuy nhiên, để tăng trưởng và phát triển bền vững, tăng trưởng về chất lượng gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, đòi hỏi hệ thống ngân hàng trên địa bàn cần lưu ý một số vấn đề sau.

Thứ nhất, nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, sự tăng trưởng bền vững và hiệu quả. Mặc dù nợ xấu vẫn chiếm tỷ trọng hơn 4% trong tổng dư nợ tín dụng, song quy mô của nợ xấu (số tuyệt đối) chưa giảm nhiều.

Đặc biệt, nợ xấu của nhóm ngân hàng có liên quan đến vụ án như: OceanBank Chi nhánh Sài Gòn, Hồ Chí Minh; CB Chi nhánh Sài Gòn, Chi nhánh Lam Giang; Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, Chi nhánh Hùng Vương TP. HCM; Công ty cho thuê tài chính Agribank II là trên 25.357 tỷ đồng, chiếm 41% tổng nợ xấu trên địa bàn. Đây là khoản nợ xấu rất khó xử lý, phụ thuộc nhiều vào phán quyết của tòa án và hoạt động thi hành án.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM

Bên cạnh đó, hiệu quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn phụ thuộc nhiều vào quá trình tái cơ cấu và quyết tâm thực hiện tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại. Trong đó, một số ngân hàng vẫn chưa xử lý dứt điểm các vấn đề nội tại để củng cố, chấn chỉnh, thực hiện tái cơ cấu theo các phương án đã đề ra.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của chính các tổ chức tín dụng và tiềm ẩn rủi ro liên quan, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng.

Hiện đề án tái cơ cấu của 5 ngân hàng, gồm 3 ngân hàng “0 đồng” (OceanBank, GPBank, CBank) và DongA Bank, Sacombank (sau sáp nhập) đã được Bộ Chính trị chấp thuận. Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng đề án tái cơ cấu chi tiết để triển khai trong thời gian tới, nhằm tái cơ cấu hoạt động của các ngân hàng trên.

Thứ hai, thời gian gần đây, cơ cấu tín dụng có xu hướng thay đổi theo hướng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản và chứng khoán) tăng dần. Mặc dù tín dụng vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, song tỷ trọng trong tổng dư nợ đã thấp hơn so với trước đây. Hiện nay, tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chiếm 75 - 78%. Trong khi trước đó, tỷ lệ này là 80 - 83%.

Bài học về tăng trưởng tín dụng “nóng” hiện vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn
rủi ro

Do đó, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần quan tâm đến tăng trưởng tín dụng đảm bảo phù hợp, hợp lý đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động huy động vốn và đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng. Bài học về tăng trưởng tín dụng “nóng” hiện vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Các tổ chức tín dụng cần thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước tại các chỉ thị về hoạt động ngân hàng năm 2017. Trong đó, thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất cho vay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tiếp tục tái cơ cấu hiệu quả, làm nền tảng cho tăng trưởng tín dụng và phát triển bền vững.

Đây không chỉ là vấn đề trong trung và dài hạn, mà trước hết các tổ chức tín dụng cần thực hiện tốt các nội dung của tái cơ cấu, với nội hàm xử lý hiệu quả những tồn tại, hạn chế của mỗi tổ chức tín dụng. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh, đặc biệt đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các yếu tố nguồn nhân lực trong đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh “mềm”.

Gỡ khó trong phát mại tài sản bảo đảm

Trọng tâm của ngành ngân hàng đặt ra trong năm 2017 là đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, bên cạnh việc ổn định lãi suất và kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp. Xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Liên quan đến xử lý nợ xấu, trong bối cảnh hiện nay, việc xử lý nợ xấu không thể kỳ vọng vào sự hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước mà quan trọng vẫn là nỗ lực từ các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng phải tăng cường trích dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận thu về, đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu.

Bài toán nợ xấu chưa thể đẩy nhanh giải quyết đã ảnh hưởng đến thanh khoản, cũng như dòng chảy tín dụng của các ngân hàng, tác động đến nền kinh tế. Do vậy, các ngân hàng cần hạn chế rót vốn cho các doanh nghiệp, lĩnh vực có rủi ro tiềm ẩn như bất động sản.

Nhưng để khơi thông được dòng chảy tín dụng cũng cần có giải pháp để các ngân hàng có thể giải quyết nhanh bài toán phát mại tài sản bảo đảm. Đồng thời, giải quyết các vướng mắc về pháp luật hiện hành để đảm bảo quyền lợi của người cho vay và các vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm là bất động sản. Ngân hàng Nhà nước sẽ làm quyết liệt và đây là điểm mấu chốt trong xử lý nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về các vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm, về việc các cấp khác nhau vẫn nhìn nhận và áp dụng luật, xử lý khác nhau với tài sản bảo đảm, nhất là bất động sản. Trong khi đó, tài sản thế chấp tại các ngân hàng chủ yếu là bất động sản.

Khi “rào cản” trong xử lý tài sản bảo đảm được tháo gỡ, chắc chắn việc xử lý nợ xấu sẽ nhanh hơn.

Phương hướng nhiệm vụ ngành ngân hàng trên địa bàn Thành phố quý II/2017 là tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện, tuân thủ kỷ luật thị trường: về lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng. Trong đó, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, kiểm soát tín dụng và chất lượng tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, hạn chế tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại các Chỉ thị 01, 02 và 03 về các giải pháp tiền tệ tín dụng và hoạt động năm 2017.

Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo từng tổ chức tín dụng và toàn hệ thống tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại theo đề án, phương án đã được phê duyệt, trong đó tập trung vào các vấn đề chính như: nâng cao năng lực tài chính và quản trị điều hành, tăng cường quản trị rủi ro, đảm bảo thanh khoản...

Kết quả, hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ổn định, chất lượng hoạt động và niềm tin của người dân từng bước được tăng cường; hệ thống tổ chức tín dụng thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Xử lý nợ xấu là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tái cơ cấu. Trong những tháng đầu năm, các giải pháp xử lý nợ xấu (như thu hồi nợ từ khách hàng, bán nợ xấu cho VAMC…) được toàn hệ thống triển khai mạnh mẽ, quyết liệt.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tập trung tăng cường chất lượng hoạt động tín dụng, tuân thủ chặt chẽ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động, giảm thiểu rủi ro… Nhờ đó, nợ xấu được kiểm soát, xử lý hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm dần.

Tin bài liên quan