Tiêu 50.000 tỷ đồng đưa điện về nông thôn
Trong trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây vài tuần, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, theo lộ trình, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, tổng kinh phí đưa điện vào vùng nông thôn và khu vực chưa có điện xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương và vốn ODA chiếm 85%. “Nhưng ngân sách chưa chi một đồng nào cho việc này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Dù vậy, trong giai đoạn năm 1998-2013, Chính phủ cùng các cơ quan hữu trách và EVN đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn để dòng điện vươn tới vùng sâu, vùng xa. Đã có khoảng 50.000 tỷ đồng được triển khai đầu tư phát triển lưới điện nông thôn trên địa bàn 62 tỉnh, thành phố (trừ TP.HCM) từ nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVN, vốn vay thương mại, ODA, ngân sách trung ương.
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, theo tính toán của WB, sau hơn 2 năm chuẩn bị Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam (RE1), EVN sẽ lỗ 50 triệu USD nếu triển khai chương trình này. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa điện về nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, câu chuyện lãi lỗ đã không phải là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Năm 2000, Hiệp định vay vốn WB 150 triệu USD thực hiện Dự án RE1 và Dự án “Điện khí hóa nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long” vay vốn Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) 19 triệu EUR đã được ký kết. Đây là những dự án điện khí hóa nông thôn Việt Nam vay vốn nước ngoài đầu tiên có giá trị lớn, với phạm vi thực hiện rộng.
Kết quả cho thấy, đã có 976 xã có điện, vượt 365 xã, với hơn 550.000 hộ dân có điện trong Dự án RE1. Tại Dự án “Điện khí hóa nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long”, điện đã về tới 138 xã, vượt 60 xã được đặt ra ban đầu.
Đây là đòn bẩy để WB tiếp tục hợp tác trong Dự án Năng lượng nông thôn II (RE2), với khoản tài trợ 420 triệu USD cho cải tạo, mở rộng cung cấp điện tới hơn 1.500 xã của khu vực nông thôn, được thực hiện từ năm 2005 đến 2014. WB cũng là nhà tài trợ Dự án “Lưới điện phân phối nông thôn- RD”, với khoản vay 150 triệu USD để khắc phục tình trạng quá tải, tắc nghẽn lưới trong hệ thống phân phối điện nông thôn từ năm 2008 - 2013.
Ngoài WB, các nhà tài trợ quốc tế khác cũng vào cuộc và tiếp sức cho EVN triển khai đưa điện về nông thôn. Có thể kể tới Dự án Năng lượng tái tạo và cải tạo, mở rộng cung cấp điện cho các xã nghèo vùng sâu vùng xa” vay 151 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với thời gian triển khai từ năm 2009 đến 2015, nhằm cấp điện cho các hộ dân chưa được sử dụng điện thực hiện xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần.
Ngoài ra, còn có Dự án Nâng cao Hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) số tiền120 triệu EUR, với mục đích cải tạo và mở rộng lưới điện trung và hạ áp của khu vực nông thôn, thực hiện từ năm 2009 đến 2014.
Đưa điện ra đảo
Cùng với việc sử dụng các nguồn vốn cấp điện cho các xã, thôn bản, hộ dân trên đất liền, EVN thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh biển đảo cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc bằng cáp ngầm.
Cho tới nay, hai dự án gồm Đưa điện lưới ra huyện Đảo Cô Tô có tổng vốn đầu tư gần 1.106 tỷ đồng từ nguồn vốn của tỉnh Quảng Ninh và vốn của EVN, cấp điện cho 1.600 hộ dân và Dự án cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc có tổng vốn đầu tư gần 2.336 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của WB, vốn đối ứng của Tổng công ty Điện lực miền Nam, cấp điện cho hơn 16.000 hộ dân, đã hoàn tất việc nối lưới.
Tại Lý Sơn, Dự án Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo này bằng cáp ngầm, với tổng mức đầu tư 652 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách cấp 85% và vốn của EVN là 15%, đồng bộ với hệ thống lưới điện trên đảo, đang được thi công. Dự án do EVN thực hiện bằng ngồn vốn vay KfW, có tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng, cấp điện cho 5.714 hộ dân, đang được khẩn trương triển khai để hoàn tất ngay trong năm 2014.
Bên cạnh đó, EVN cũng đã tiếp nhận 18.475 công trình, với 22.078 km đường dây trung áp và 28.442 trạm biến áp, có tổng dung lượng 2.836,051 MVA, để thống nhất quản lý và có kế hoạch đầu tư phù hợp với phát triển phụ tải của khu vực nông thôn.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải
Phải bảo đảm các dự án BOT về điện thành công.
Việt Nam là nước thiếu điện, khẩu hiệu “điện đi trước một bước” không bao giờ cũ. Về điện nông thôn, mục tiêu đặt ra là năm 2015, 98% hộ gia đình có điện, đến năm 2020, cơ bản 100% hộ có điện. Để thực hiện mục tiêu này, đề nghị các bộ, ngành, địa phương và EVN phát huy kết quả đạt được, bố trí và huy động các nguồn vốn để thực hiện. Chúng ta đang có 15 dự án BOT về điện, trị giá 30 tỷ USD, phải bảo đảm các dự án đó thành công, nếu không ngành điện sẽ khó thực hiện được các mục tiêu đề ra. Tôi cũng mong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WB, ADB, SIDA, JICA, IDA… sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành điện Việt Nam phát triển.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam
WB tiếp tục hỗ trợ ngành điện Việt Nam.
Việt Nam đã thành công rất ấn tượng trong điện khí hóa nông thôn, trở thành mô hình mà thế giới muốn nhân rộng. Có rất nhiều kinh nghiệm đưa đến thành công này. Thứ nhất, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của người dân và hành động thực tế, đưa ra chính sách đúng đắn là ưu tiên chương trình điện khí hóa nông thôn, thực hiện theo từng giai đoạn khác nhau với quyết tâm chính trị lớn. Thứ hai, có sự chia sẻ về kinh phí và trách nhiệm giữa các bên tham gia.
WB cam kết tiếp tục hỗ trợ ngành điện Việt Nam và chương trình điện khí hóa nông thôn giai đoạn tiếp theo.