Ông Hiển đang nắm ghế chủ tịch HĐQT 8 công ty. Ngoài bóng đá, đối với giới tài chính, ông được chú ý bởi nắm trong tay Ngân hàng SHB, CTCK SHS và CTCK SHBS. Năm 2012, thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB, sau đó là vụ giải cứu Bianfishco với khoản nợ lên tới 1.500 tỷ đồng khiến ông càng thêm nổi tiếng.
Sau 1 năm, Bianfishco đã có lãi. Bí quyết được bầu Hiển chia sẻ: “Nếu chỉ đưa tiền vào DN và có phương án chung chung, khó có thể thành công. Tại Bianfishco, tôi phải phái những anh em quản lý thuộc hàng tin cẩn nhất, những người có năng lực, đã tham gia điều hành T&T vào tiếp quản doanh nghiệp. Những người này có kinh nghiệm thương trường, hiểu thấu các khó khăn trong điều hành sản xuất, kinh doanh, điều hành thị trường, đồng thời có tâm huyết và có sự quyết tâm lớn. Kết hợp cả hai yếu tố trên, tái cấu trúc mới thành công”.
Từng học ngành Vật lý nên ông Hiển thích mọi thứ phải bám sát thực tế. Kinh nghiệm bao năm lăn lộn trên thương trường cũng giúp ông có khả năng nhạy bén về kinh doanh mà cấp dưới khó có ai sánh kịp. Cuối năm 2013, ông liên tục chỉ đạo lãnh đạo SHS tham gia đầu tư và sẵn sàng hỗ trợ để Công ty tăng mạnh thị phần. Bởi vậy, sự dè dặt của cấp dưới mà kết quả thể hiện ở con số lợi nhuận khiêm tốn khiến ông thất vọng và đây cũng là lý do dẫn đến việc thay tướng tại SHS.
Tại đại hội cổ đông 2014 của SHS, khi được hỏi về số phận 2 CTCK SHS và SHBS , ông Hiển đã trả lời, tạm thời chưa có chuyện sáp nhập 2 công ty làm một. Cả 2 công ty đều đang được bầu Hiển quan tâm và đặt lên bàn cân với vị trí không ai kém ai. Ông Hiển đặt ra mục tiêu top 5 môi giới cho SHS trong năm nay và Top 10 môi giới cho SHBS sau 2 năm nữa. Với áp lực lớn và có một đối trọng để nhìn sang, bộ máy điều hành của mỗi CTCK sẽ phải làm việc cật lực để chứng minh năng lực và cống hiến.
Ông Hiển có tài khích tướng. Tổng giám đốc Bianfishco Nguyễn Tất Thắng vốn là phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T. Ông Thắng kể, khi được giao nhiệm vụ vào Cần Thơ, gia đình phản đối dữ lắm bởi biết chắc ông sẽ rất vất vả và áp lực. Song ông đã chấp nhận xa gia đình và lăn lộn ngày đêm cùng các cộng sự khác để vực dậy Bianfishco. Bản thân ông Hiển cũng nhiều phen thân chinh sang Mỹ, châu Âu để gây dựng lại thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, tổng giám đốc SHBS đương nhiệm, dù có rất nhiều lời mời và đang đảm nhận ghế tổng giám đốc tại CTCK MSBS nhưng khi ông Hiển mời về đã trở lại nhận trách nhiệm tái cấu trúc CTCK Habubank với hàng núi công việc.
Bên cạnh tài khích tướng, ông Hiển được cấp dưới nể phục ở khả năng nắm bắt vấn đề rất sát sao. Một cộng sự của ông kể, cuộc họp triển khai kế hoạch năm, bàn đến nội dung nào ông đều hỏi chi tiết, cách xử lý vấn đề, triển khai công việc, để rồi có kết luận luôn. Quân ông Hiển được khuyến khích cứ làm hết sức đi, không làm được hoặc mắc ở đâu, ông sẽ hỗ trợ, nhưng trước hết nhất định phải làm hết sức đã.
Năm 2013, ông Hiển xếp thứ 78 trong top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tài sản của ông còn chưa được thống kê hết nhưng lối sống của ông bầu này khá giản dị. Có những hôm ông bận họp cả ngày, về tới SHB đã 5h chiều, lại họp tiếp. Đói quá, ông sai trợ lý mua ngay cái bánh mì bên cạnh, uống thêm cốc nước lọc rồi tiếp tục họp đến 9-10h tối. Cuối cuộc họp, nhiều cộng sự đầu óc lơ mơ sau cả ngày làm việc dài, riêng sếp Hiển, vấn đề nào cũng sát sao đến từng chi tiết. Dẫu vậy, cuộc họp nào cũng áp lực nhưng không căng thẳng bởi ông Hiển được cấp dưới đánh giá là người biết lắng nghe, chia sẻ.
Với công chúng như cổ đông, nhà đầu tư, ông Hiển cũng nói chuyện khá thoải mái. Khi được hỏi về việc trên thị trường có thông tin cổ phiếu SHB sẽ được đánh đến 15 (hiện đang giá 11), ông cười nói “Nhiều người hỏi tôi câu ấy lắm nhưng có “đánh” cũng chỉ được một vài tháng, chứ “đánh” sao được 2 năm, mà cổ phiếu SHB luôn thuộc top thanh khoản nhất sàn Hà Nội”.
Sau các đội bóng con cưng vô địch về bóng đá, ông Hiển đang quyết liệt dồn tâm huyết cho lĩnh vực tài chính, để đưa những đứa con lên vị trí tên tuổi. Ông nói: “Tôi thích làm những việc người khác cho là không thể và phải đi tới cùng”. Dẫu vậy, cạnh tranh trong làng tài chính Việt không đơn giản, và thời gian sẽ có câu trả lời liệu trong những trận cầu tài chính, bầu Hiển và các cộng sự có thành công?
Chat với Bầu Hiển
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam phải thoái vốn khỏi SHS. Vậy T&T, SHB và cá nhân ông có kế hoạch giảm vốn tại CTCK không?
Hai tập đoàn Nhà nước nói họ không muốn thoái vốn khỏi SHS, song đây là chỉ đạo của Chính phủ và họ phải thực hiện. Thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề mua lại số cổ phần của 2 cổ đông sáng lập trên, trong đó có nhiều quỹ đầu tư và có cả các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, 2 tập đoàn trên đã ưu tiên bán cho các thành viên HĐQT.
Tôi là một cổ đông sáng lập của SHS, sẽ gắn bó với SHS bởi với tôi kinh doanh không hẳn chỉ vì lợi nhuận mà còn là danh dự và uy tín, là trách nhiệm với người lao động trong doanh nghiệp, với các cổ đông khác và xã hội.
Năm 2014, SHS đặt kế hoạch lợi nhuận 310 tỷ đồng, tăng tới 25 lần so với năm trước. Cơ sở nào để HĐQT đưa ra kế hoạch trên?
Nói thực là tôi rất tiếc cho SHS năm 2013 và nhiều lúc cảm thấy xót ruột bởi Công ty đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, để rồi kết quả lợi nhuận cả năm chỉ đạt 11,6 tỷ đồng. Trong đó có một phần lỗi của tôi, đó là chưa sát sao với doanh nghiệp. Trước khi đưa ra kế hoạch năm 2014, tôi đã ngồi làm việc rất kỹ, có thể nói là chưa lần nào kỹ như lần này, với Ban điều hành SHS. Ở mỗi lĩnh vực như Đầu tư, Môi giới, Tư vấn… chúng tôi đều có những tính toán cụ thể, những đầu việc cụ thể, từ đó tính ra được doanh thu, lợi nhuận dự kiến. Như vậy, kế hoạch đã được xem xét rất kỹ trên cơ sở thực tế chứ không phải đặt kế hoạch kiểu “bốc thuốc”.
Nhìn vào kế hoạch lợi nhuận tăng tới 25 lần so với 2013 cổ đông thấy rất tham vọng nhưng cũng không có gì quá to tát đâu bởi xuất phát điểm của SHS còn thấp.
Có thể mường tượng rõ hơn về sự sát sao của ông với SHS trong thời gian tới như thế nào?
Đáng nhẽ năm 2013, SHS có sự chỉ đạo quyết liệt, lợi nhuận có thể gấp 2 lần. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận 2014 sẽ tăng không nhiều. Năm nay tín hiệu vĩ mô, vi mô tốt, lãi suất ngân hàng thấp, vàng, USD không phải là kênh đầu tư, kênh BĐS cũng chưa hấp dẫn lắm. Trong khi đó, cơ hội lại có nhiều từ M&A, rồi thoái vốn của DNNN… TTCK sẽ rất thuận lợi.
Tôi đã chỉ đạo Ban điều hành SHS, hàng tuần có buổi làm việc với tôi, mỗi tuần đều phải xem lại kế hoạch đặt ra đã làm được đến đâu, có vướng mắc gì không, tắc ở đâu, cần gì sự hỗ trợ từ tôi, nếu cần tôi sẽ trực tiếp đi và cùng tham gia giải quyết. Tóm lại là khi nào SHS cần tôi có mặt, tôi sẵn sàng thu xếp công việc để tham gia. Năm trước đã bỏ lỡ cơ hội, năm nay nhất định không để lặp lại.
Hai năm qua, nhà đầu tư thấy ông đã làm được những gì ông nói. Vậy SHS sẽ bước đi bằng những lĩnh vực cốt lõi nào?
Đầu tư là hoạt động cốt lõi, bên cạnh đó SHS phải bước đi vững chắc bằng lĩnh vực dịch vụ với mục tiêu lọt vào Top 5 môi giới trên cả 2 sàn trong năm nay, sau đó là Top 3. Tôi có quan điểm rõ ràng: Đã chơi phải vô địch, chơi nhàng nhàng trụ hạng thì chơi làm gì. Nhìn sang các CTCK lớn, họ đầu tư phát triển như thế mình mừng cho họ, nhưng phải nhìn lại mình, điều kiện của SHS đâu có kém gì họ, tại sao Công ty lại kém. Nguyên nhân chỉ có thể là do tôi và Ban điều hành, bởi vậy chúng tôi phải thay đổi.
SHS rất thuận lợi là được vay vốn SHB, được ngân hàng hỗ trợ tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Không phải CTCK nào cũng có thuận lợi về mặt tài chính và quan hệ khách hàng lớn như vậy.
Trong quá trình phát triển, ông có tính đến việc để SHS có đối tác chiến lược nước ngoài?
Một vài đối tác nước ngoài có đặt vấn đề tham gia đầu tư vào SHS với tôi. Có đối tác ngoại là điều cần thiết nhưng với tôi họ phải đáp ứng được 3 tiêu chí: có tiềm lực (ít nhất cũng phải Top 50 định chế tài chính của thế giới, tham gia quản trị điều hành DN và đặc biệt là phải có định hướng sống lâu dài với doanh nghiệp. Kiểu đối tác ngắn hạn, lướt sóng kiếm lợi nhuận tôi không bao giờ ủng hộ cho tham gia vào Công ty.
Trong tầm nhìn phát triển dài hạn, SHS có mục tiêu trở thành Tập đoàn đầu tư tài chính lớn. Năm 2014 sẽ là năm SHS thiết lập nền tảng để tạo đà cho các bước phát triển tiếp theo. Tôi tin, có sự điều hành, chỉ đạo sát sao, SHS sẽ làm được những gì đã đặt ra.