BHXH Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao chủ quản Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP. Do đó, từ nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) đã có, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã ưu tiên tập trung làm giàu CSDL quốc gia về bảo hiểm; chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác, tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến của Ngành nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia nói chung.
Thực hiện Đề án 06, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức.
Đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 96,8 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó có 86,9 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 97,8% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).
Việc đồng bộ, xác thực thông tin định danh của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN với CSDL quốc gia về dân cư giúp chuẩn hóa dữ liệu giữa 02 CSDL quốc gia (dân cư và bảo hiểm), nâng cao tính chính xác của thông tin, dữ liệu, là tiền đề quan trọng để triển khai cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên nền CSDL quốc gia về dân cư.
Đặc biệt, nhằm giúp người tham gia, thụ hưởng thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN nhanh chóng và thuận tiện, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với ngành Công an, ngành Y tế từ sớm, từ xa để triển khai việc: sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VneID) phục vụ người dân đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở KCB, phối hợp triển khai sổ sức khỏe điện tử; ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip tại cơ sở KCB BHYT và bộ phận "Một cửa" của cơ quan BHXH; triển khai cung cấp các DVC trực tuyến.
Công tác chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ nói riêng đã tạo ra nhiều bước ngoặt, mang lại lợi ích to lớn, thiết thực không chỉ đối với người dân, doanh nghiệp mà còn cả với các cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực BHXH, BHYT trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; phòng chống, kịp thời phát hiện và xử lý gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Trong đó, với việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) phục vụ KCB BHYT: Đã có 100% cơ sở KCB BHYT triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, với trên 92 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD đã giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh và nhân viên y tế khi làm thủ tục KCB BHYT. Cơ quan BHXH cũng giảm bớt chi phí in ấn thẻ BHYT, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin.
Để đẩy mạnh cung cấp nhóm tiện ích phục vụ “công dân số”, BHXH Việt Nam đã triển khai cung cấp bản điện tử của sổ BHXH và thẻ BHYT cho người dân khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại Quyết định số 490/QĐ-BHXH.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay, có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022.
Ngày 22/3/2024, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy trình phối hợp triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư nhằm vận động, tuyên truyền người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng. BHXH Việt Nam đã có công văn 885/BHXH-TCKT ngày 02/04/2024 gửi BHXH các tỉnh thành phố để hướng dẫn thực hiện quy trình phối hợp này, đồng thời chuyển dữ liệu theo quy trình để Tổ Công tác Chính phủ chỉ đạo các Tổ công tác địa phương triển khai.
Có thể khẳng định, với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng CNTT, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đặc biệt là thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác CSDL của Ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT… để đạt mục tiêu cuối cùng là đem lại các lợi ích, tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.