Thẩm định kỹ càng tài sản đảm bảo là rất quan trọng

Thẩm định kỹ càng tài sản đảm bảo là rất quan trọng

Quyết không hạ chuẩn tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn song cạn tài sản để thế chấp, không đáp ứng được điều kiện tín dụng. Ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay và “thà dư vốn còn không quỳ đòi nợ”, nên dòng chảy tín dụng đang chậm lại.

“Điểm nghẽn” tài sản thế chấp

Kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) mới đây cho thấy, có hơn 43% doanh nghiệp trên địa bàn kiến nghị hỗ trợ về vốn, giảm lãi suất, cơ cấu nợ… với lý do chưa được ngân hàng hỗ trợ để vay vốn.

Trước tình hình khó khăn về vốn của cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay, song tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, theo khảo sát của HUBA, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá thấp xuống khi lạm phát gia tăng. Vì vậy, HUBA kiến nghị các ngân hàng thương mại nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị ngân hàng cần có chính sách gia hạn nợ đi kèm với chính sách ân hạn nợ. Có nghĩa, doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay vì phải trả ngay khi hết gia hạn làm gấp đôi số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp như thời gian vừa qua.

HUBA cũng kiến nghị chính quyền TP.HCM xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu. Vì thực tế cho thấy các ngân hàng khi cho vay đều yêu cầu tài sản đảm bảo cho khoản vay, trong khi đó việc định giá tài sản hiện nay thấp hơn trước đây rất nhiều. Do đó, nếu doanh nghiệp có vay được thì hạn mức tín dụng cũng thấp hơn.

Một công ty lữ hành cho hay, hiện họ chỉ dùng nguồn vốn tự có nên hoạt động kinh doanh cầm chừng. Nguyên nhân là trải qua mấy năm đại dịch Covid-19, doanh nghiệp kinh doanh khó khăn nên các chỉ số trên báo cáo tài chính không đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng đề ra.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị các tổ chức tín dụng cần tiết giảm chi phí, cân đối chi phí huy động vốn để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo ông Lực, các tổ chức tín dụng nên linh hoạt hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng như xem xét, chấp nhận tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, đơn hàng, hợp đồng thi công... Đây không phải là hạ chuẩn tín dụng. Việc tinh giản quy trình, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt tín dụng cũng cần được đẩy mạnh để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn, đồng thời nên thúc đẩy tăng trưởng đều tín dụng từ các tháng đầu năm.

Thực tế hiện nay, “điểm nghẽn” trong tiếp cận vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp được nhắc đến nhiều ở câu chuyện tài sản thế chấp. Không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính các doanh nghiệp bất động sản cũng rơi vào tình trạng có tài sản nhưng không đủ điều kiện pháp lý để vay vốn. Theo TS. Trương Văn Phước, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, có một thực tế là khi tín dụng được mở ra, lãi suất giảm thì thể trạng doanh nghiệp đã ở tình trạng quá khó khăn. Đây là hệ quả vĩ mô kéo theo từ giai đoạn đại dịch Covid-19.

Hiện lãi suất cho vay không phải là trở ngại lớn khi tiếp cận vốn vay, mà nhiều doanh nghiệp chưa vay vốn vì đầu ra sản phẩm còn hạn chế. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp có đầu ra nhưng lại không đủ điều kiện vay... nên không thể tiếp cận được vốn tín dụng.

Không thể hạ chuẩn cho vay

Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng quá đà, Bởi chính sách này là giấu một khoản nợ xấu, rất xấu, rồi nó âm ỉ đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước

Để dòng vốn tín dụng chảy nhanh hơn, các doanh nghiệp đề xuất ngân hàng linh động hơn trong việc cho vay, giản lược thủ tục, tài sản đảm bảo. Thế nhưng, theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, các tiêu chuẩn để đảm bảo tính an toàn của khoản vay như yếu tố pháp lý của tài sản đảm bảo… là yêu cầu không thể giản lược, bởi đó là quy định quản trị rủi ro mà các nhà băng phải tuân thủ.

Đáng chú ý, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn đã gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Hệ quả là, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn ngành ngân hàng. Nợ xấu tăng đang là mối lo, nhất là khi nợ xấu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024.

Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, lãi vay sẽ giảm tiếp nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng. Theo ông Tú, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp và đều kỳ vọng lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận thế nào để xã hội chấp nhận được, để chia sẻ với nền kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm. Ngay cả các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, NHNN can thiệp với tư cách chủ sở hữu để hạ lãi suất cho doanh nghiệp.

Quan điểm điều hành của NHNN là luôn luôn song hành hai nhiệm vụ, vừa hỗ trợ vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa phải đảm bảo an toàn cho hệ thống. Tuy điều kiện, tiêu chuẩn tín dụng không hạ thấp nhưng các ngân hàng thương mại phải tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, quy trình, tiết giảm thời gian để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn. NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện cơ cấu nợ, gia hạn nợ để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hiện NHNN đã trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02/2023/NN-NHNN đến cuối năm 2024, thay vì hết hạn vào cuối tháng 6 tới.

“Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng quá đà. Bởi chính sách này là giấu một khoản nợ xấu, rất xấu, rồi nó âm ỉ đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia. Đây cũng là lý do NHNN đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa (thay vì dài hơn), hết năm 2024 đánh giá tiếp. Nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì sẽ có cơ chế khác hỗ trợ”, ông Tú nói thêm.

PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng, khả năng hấp thụ vốn của thị trường là yếu tố quan trọng, vì không thể nói mãi về việc ngân hàng đẩy vốn, tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Mặt khác, liệu có nên tăng tín dụng bằng mọi giá hay không, bởi dòng vốn tín dụng phải đến đúng đối tượng, đủ điều kiện sử dụng và hoàn vốn. Vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ huy động vốn để cho vay nên ngân hàng cũng đau lòng vì vốn huy động đang nằm lại ngân hàng mà phải gánh chịu lãi suất đầu vào.

“Điều quan trọng là ngân hàng vẫn phải tìm đúng khách hàng để cho vay. Nếu đẩy vốn ra nhanh quá với lãi suất thấp thì liệu rằng chất lượng tín dụng mấy năm nữa sẽ như thế nào, dư nợ xấu có kiểm soát được?”, ông Khánh đặt câu hỏi.

Tin bài liên quan