Quyết định mua lại ngân hàng 0 đồng là cần thiết

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Keith Pogson, Phó tổng giám đốc EY, Lãnh đạo cao cấp Dịch vụ tài chính Ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ là bảo vệ nhân dân. Trong khi Việt Nam chưa có quy định pháp lý về mua bán và sáp nhập ngân hàng bài bản như thế giới thì quyết định mua lại các ngân hàng 0 đồng là việc làm cần thiết để bảo vệ người gửi tiền và nền kinh tế.
Quyết định mua lại ngân hàng 0 đồng là cần thiết

Theo nghiên cứu của ông, trên thế giới từng có tiền lệ về việc mua ngân hàng 0 đồng?

Tại Vương quốc Anh, Barings Bank bị mất khả năng thanh toán vào tháng 2/1995 và được bán cho ING với giá 1 pound. Chính phủ Anh lúc đó đã nhận ra rằng, việc một ngân hàng tuyên bố phá sản sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính và điều tốt nhất cần làm là nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mua lại ngân hàng này.

Thay vì bỏ rất nhiều thời gian, công sức thực hiện quy trình phức tạp để định giá ngân hàng, Chính phủ Anh đã “đơn giản hóa” vấn đề và quyết định rao bán ngân hàng này với giá 1 pound. Bên mua lại sẽ thực hiện rà soát đặc biệt với ngân hàng này và khi mua lại với giá 1 pound, bên mua biết rõ họ đang “mua lại” những gì.

Rất nhiều giao dịch tài chính vào thời khủng hoảng tài chính Mỹ cũng được định giá 1 USD. Sự thật thì đây không phải giá đúng mà người mua trả ra để mua những tổ chức này. Giá họ sẽ phải trả cho thương vụ chính là mệnh giá của những khoản nợ của tổ chức bị bán. Nhưng để giản đơn hóa thì các thương vụ này được định giá là 1 đồng, vì như vậy việc chuyển đổi quyền sở hữu dễ dàng hơn. 1 đồng này tượng trưng cho sự chuyển đổi về quyền sở hữu.

Rao bán ngân hàng với giá 0 hay 1 đồng là một phương án đơn giản, dễ dàng và quan trọng nhất là nhanh chóng. Chính phủ cần phải hành động nhanh chóng, vì nếu người dân biết rằng ngân hàng có khả năng tuyên bố phá sản, họ sẽ muốn rút hết tiền khỏi ngân hàng và điều này rất bất lợi cho nền kinh tế. 

Vậy ông đánh giá thế nào về quyết định của Chính phủ, NHNN Việt Nam trong việc mua lại ngân hàng 0 đồng? Liệu có thể cho phá sản ngân hàng yếu kém, thua lỗ?

Chính phủ, NHNN có trách nhiệm duy trì sự ổn định tài chính, duy trì sức mạnh cho hệ thống ngân hàng. Việt Nam là quốc gia khá đặc biệt khi người dân ít tham gia vào hoạt động ngân hàng, số người dân có tài khoản ngân hàng vẫn không cao.

Nếu Chính phủ không thể bảo vệ được hệ thống ngân hàng, sự tin tưởng vào hệ thống sẽ sụp đổ rất nhanh. Vì vậy, Chính phủ phải hỗ trợ các ngân hàng. Việc NHNN mua lại ngân hàng yếu kém nào đó với giá 0 đồng cũng là để bảo vệ hệ thống ngân hàng, bảo vệ tiền gửi của người dân.

Nếu ngân hàng phá sản, các cổ đông đương nhiên sẽ mất tiền, nhưng vấn đề chính nằm ở việc người dân có thể mất tiền. Nếu điều này thực sự xảy ra, người dân sẽ xếp hàng trước ngân hàng để rút tiền gửi. Lượng tiền giảm dần và nền kinh tế sụp đổ. Do vậy, Chính phủ không thể cho phép điều đó xảy ra. Hiện tại, Việt Nam không có hệ thống để bảo vệ người gửi tiền/lượng tiền được gửi một cách thỏa đáng, vì vậy, Chính phủ cần phải bảo vệ hệ thống ngân hàng. 

Tuy nhiên, hiện vẫn có một số ý kiến không tích cực liên quan đến quyết định mua ngân hàng 0 đồng?

Sẽ luôn có người phàn nàn và không đồng ý với quyết định đã được đưa ra. Trách nhiệm của Chính phủ là bảo vệ nhân dân, chứ không chỉ quan tâm đến mối lo ngại của một vài cá nhân. Và tôi muốn nhấn mạnh một điều, tại thời điểm hiện tại, trong khi chưa có đạo luật mua bán và sáp nhập ngân hàng bài bản như trên thế giới thì quyết định mua lại các ngân hàng 0 đồng là việc cần thiết của Chính phủ và NHNN. 

Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ, NHNN liên quan đến tái cơ cấu ngành ngân hàng?

Liên quan đến vấn đề pháp luật, từ 8 năm nay, quan điểm của tôi không hề thay đổi, đó là để thực hiện một thương vụ mua bán và sáp nhập hiệu quả và thực tế, ở Việt Nam cần phải có khoảng 7, 8 cải cách có liên quan…

Các yêu cầu trong Luật Phá sản cũng cần phải được thay đổi. Do một vài vấn đề nên một số nợ xấu cần phải giải quyết trước khi tiến hành M&A vì ngân hàng sẽ không muốn chuyển các khoản nợ này sang ngân hàng thứ hai. Do vậy, cần có một bộ luật về xử lý nợ xấu, chứ không phải chỉ xử lý nợ xấu bằng cách bán cho VAMC. Rất dễ để yêu cầu các ngân hàng hợp nhất hay sáp nhập, tuy nhiên để họ làm được điều này một cách hiệu quả, trên thực tế là rất khó.

Tin bài liên quan