Biểu tượng đồng euro bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Đức. Ảnh: AFP

Biểu tượng đồng euro bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Đức. Ảnh: AFP

Quyết định cắt giảm lãi suất của ECB sẽ trở nên khó khăn hơn

0:00 / 0:00
0:00
Các quyết định giảm lãi suất xuống khoảng 3% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho là sẽ gây tranh cãi hơn nhiều, mà nguyên nhân đến từ rủi ro lạm phát.

Những người thạo tin nói với Reuters rằng, nếu ECB thực hiện 2 hoặc 3 đợt giảm tiếp theo đối với lãi suất tiền gửi hiện ở mức 3,75%, thì khó có thể gây ra xung đột lớn, nhưng các tranh luận sau đó sẽ vấp phải những quan điểm trái chiều về cả triển vọng lạm phát và thời điểm chính sách tiền tệ ngừng kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Ước tính về thời điểm sau là khi lãi suất tiền gửi giảm về ngưỡng 2 - 3%. Nhưng với việc lạm phát giảm mạnh, các nhà phân tích và thị trường cho rằng lãi suất cho vay sẽ tiếp cận hoặc thậm chí có thể đạt đến mức cao nhất trong ngưỡng vào cuối năm. Họ thấy rằng lãi suất sau đó sẽ ổn định ở mức khoảng 2,5%.

Đã xuất hiện những dấu hiệu ban đầu cho thấy căng thẳng sắp nổ ra.

"Lãi suất cơ bản càng gần với mức ước tính cao nhất của lãi suất trung lập - tức là chúng ta càng không chắc chắn về mức độ hạn chế của chính sách - thì chúng ta càng nên thận trọng hơn để tránh chính sách đó trở thành yếu tố làm chậm lại quá trình giảm phát", bà Isabel Schnabel, thành viên Ban quản trị ECB, nhận định.

Trong khi đó, các quan chức ECB phần lớn đồng ý rằng vẫn còn dư địa để cắt giảm lãi suất hơn nữa khi cho rằng lạm phát vẫn phù hợp với triển vọng quay lại mục tiêu 2% của họ vào cuối năm tới.

Sau động thái cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, ECB dự kiến sẽ tiến hành thêm các đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12 tới, cùng với việc công bố các dự báo kinh tế theo quý. Các nhà đầu tư cũng không loại trừ khả năng sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 10.

Tuy nhiên, các quan chức tiền tệ châu Âu vẫn chưa có sự đồng thuận về các rủi ro mà lạm phát (hiện ở mức 2,2% trong tháng 8) có thể gây ra.

Các quan chức ECB theo trường phái chính sách "ôn hòa" tỏ ra lo lắng hơn về việc không đạt mục tiêu lạm phát 2%, đặc biệt là khi nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mất đà. Tuy nhiên, phe diều hâu trong ECB lo ngại rằng việc nới lỏng chính sách quá nhanh sẽ có nguy cơ làm giá cả tăng trở lại.

Trong khi ông Yannis Stournaras, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp và thành viên Hội đồng thống đốc ECB, thúc giục các quan chức "cân bằng quan ngại về việc vượt quá và không đạt được mục tiêu lạm phát", thì ông Mario Centeno, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha và thành viên Hội đồng thống đốc ECB cho rằng ECB phải "hạ lạm phát xuống với mức hy sinh thấp nhất có thể" - ám chỉ đến nỗi đau kinh tế tiềm ẩn nếu chính sách quá thắt chặt trong thời gian quá dài.

Mối nguy hiểm mà ông Centeno cảnh báo là sự quay trở lại môi trường lạm phát thấp, tăng trưởng thấp trước đại dịch Covid-19.

Ngược lại, ông Boris Vujcic, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Croatia và thành viên Hội đồng thống đốc ECB, cảnh báo rằng mức tăng giá của lĩnh vực dịch vụ đã lên tới 4,2% vào tháng 8, trong khi ông Joachim Nagel, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức và thành viên Hội đồng thống đốc ECB cho rằng ECB không nên hạ lãi suất quá nhanh vì "sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn một chút có thể làm chậm thêm tiến trình quay trở lại mục tiêu của chúng ta".

Tranh luận về việc hiệu chỉnh chính xác thời điểm nào chính sách tiền tệ bắt đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thay vì kìm hãm nó, thậm chí còn gây chia rẽ hơn, chủ yếu là vì chưa thể xác định được lãi suất trung lập và hiện có nhiều ước tính về mức lãi suất này.

Trong một bài báo công bố đầu năm nay, các nhà kinh tế của ECB cho biết các mô hình đã cho ra mức lãi suất thực là từ -0,75% đến 1%, đồng nghĩa rằng lãi suất danh nghĩa là từ 1,25 - 3%.

Tuy nhiên, ông Francois Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp và thành viên Hội đồng thống đốc ECB đã lưu ý vào tháng 4 rằng ước tính của ECB và Ngân hàng Trung ương Pháp cho thấy lãi suất danh nghĩa là từ 2 - 2,5%.

"Đây không nhất thiết là mục tiêu cho giai đoạn cắt giảm lãi suất hiện tại", ông Galhau lưu ý. "Nó chỉ cho thấy rằng chúng ta có nhiều dư địa để hạ lãi suất trước khi thoát khỏi vùng hạn chế", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp nói thêm.

Những đánh giá có vẻ ôn hòa như trên về lãi suất trung lập dựa trên các yếu tố cơ bản vẫn còn yếu của nền kinh tế Eurozone, chẳng hạn như tỷ lệ sinh thấp và năng suất giảm dần.

Thế nhưng, các quan chức ECB có khuynh hướng "diều hâu" hơn lại không đồng tình vì cho rằng ngưỡng lãi suất từ 2,5 - 3% được thúc đẩy bởi các yếu tố cấu trúc như quá trình chuyển đổi xanh tốn kém và thị trường lao động liên tục thắt chặt.

"Rủi ro đình lạm đang diễn ra ở Eurozone sẽ khiến việc quyết định cắt giảm lãi suất sau tuần tới trở nên gây tranh cãi hơn, bởi vì Hội đồng thống đốc ECB một lần nữa rõ ràng đã bị chia rẽ hơn giữa phe ôn hòa và phe diều hâu", ông Carsten Brzeski, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại tập đoàn tài chính ING (Hà Lan), nhận xét.

Đại diện ING cho rằng: "Để phe diều hâu đồng ý với một loạt các đợt cắt giảm lãi suất, thì tăng trưởng của Eurozone cần phải suy yếu hơn nữa".

Hội đồng thống đốc ECB dự kiến có cuộc họp chính sách tiền tệ tại Frankfurt, Đức vào ngày 12/9 và buổi họp báo sau cuộc họp ECB cũng diễn ra cùng ngày tại Frankfurt.

Tin bài liên quan