Quyết định 51: Vướng trình tự đấu giá dưới 10 tỷ đồng

Quyết định 51: Vướng trình tự đấu giá dưới 10 tỷ đồng

(ĐTCK) Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong quá trình cổ phần hoá DNNN hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có những điểm mà DN còn băn khoăn, đặc biệt là trình tự đấu giá tại DN có giá trị tính theo mệnh giá dưới 10 tỷ đồng.
 

5 điểm đột phá

Tại hội nghị phổ biến chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK, ông Trương Lê Quốc Công, Vụ trưởng Vụ Phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, trong Quyết định 51 có 5 điểm mới mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết trên TTCK.

Thứ nhất là đối tượng áp dụng được mở rộng. Thứ hai, có điểm mới so với Nghị định 71/2013/NĐ-CP là DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách kế toán trên nguyên tắc bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất. Trình tự thủ tục thực hiện cũng được quy định khá rõ ràng với mục tiêu chính là xác định mức giá bán sao cho đảm bảo an toàn vốn. Do đó, khi DNNN đấu giá công khai, bán theo mức giá khởi điểm, sau khi bán không hết thì bán thỏa thuận nhưng phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh.

Thứ ba, đại diện chủ sở hữu vốn được quyền chủ động hơn trong việc điều chỉnh giảm giá bán nếu đấu giá không thành công hoặc bán không hết cổ phần. Điểm đáng chú ý thứ tư là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được quyền xem xét, mua lại cổ phần của DNNN nếu thoái vốn không thành công. Hay nói đơn giản, SCIC và NHNN giống như đơn vị bảo lãnh phát hành của DNNN.

Điểm khác biệt tiếp theo so với nội dung trong Nghị định 71 là Quyết định 51 cho phép DNNN được tổ chức bán đấu giá cổ phần kể cả khi “năm liền trước năm đăng ký chào bán có lỗ và có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán”. Trong khi, theo quy định của Nghị định 71, bắt buộc năm liền trước năm đăng ký chào bán, DN không có lỗ và lỗ lũy kế. 

Những vướng mắc nhỏ

Ông Công cho biết, mặc dù Quyết định 51 đã có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện cổ phần hóa, tuy nhiên, vẫn có những điểm mà DN hay mắc lỗi.

Cụ thể, đối với DNNN thực hiện thoái vốn thông qua đấu giá cổ phần, thường mắc phải những lỗi trong việc công bố thông tin (CBTT). Chẳng hạn, quy định trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày UBCK có công văn thông báo nhận được hồ sơ CBTT về việc thoái vốn, các DNNN phải công bố bản thông cáo về việc thoái vốn trên cổng thông tin điện tử của tổ chức thực hiện thoái vốn và của tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần (nếu có), nhưng DN lại thường quên điều này.

Kết quả thoái vốn cũng phải được báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt, sau khi nhận được ý kiến, phải thông báo tới UBCK. Ngoài ra, với nhiều văn bản đan xen, DNNN cũng thường quên phải thực hiện đúng theo tất cả văn bản có liên quan. Trong trường hợp, DNNN là cổ đông lớn, thoái vốn tại CTCP đại chúng còn phải có nghĩa vụ CBTT theo Thông tư 52.

Đối với việc tổ chức bán cổ phần, một số điểm vướng mặc như tổ chức công đoàn có được mua hoặc chuyển nhượng cổ phần Nhà nước tại các CTCP hay không, có giới hạn tỷ lệ sở hữu? Điểm băn khoăn khác tại một số DNNN đang vướng là trình tự tự tổ chức bán cổ phần. Bản thân DN có cần chức năng đấu giá hay không và có được tự xây dựng quy chế đấu giá của DN mà không cần dựa trên quy định đấu giá về tài sản Nhà nước, miễn sao đảm bảo tính hiệu quả của DN.

Cụ thể, trong Quyết định 51 có quy định 3 hình thức đấu giá gồm đấu giá qua Sở GDCK, qua tổ chức tài chính trung gian như các CTCK và tự tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, trong khoản 1 Điều 8 quy định, trường hợp DN tự tổ chức đấu giá mà không đấu giá thông qua Sở GDCK thì trình tự thủ tục thực hiện giống như đối với trường hợp chuyển nhượng vốn có giá trị tính theo mệnh giá dưới 10 tỷ đồng, nhưng trình tự đấu giá dưới 10 tỷ đồng lại không có quy định.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, hiện chưa có hướng dẫn với trường hợp đấu giá tại DN có giá trị tính theo mệnh giá dưới 10 tỷ đồng, mà chỉ mới có quy định cho trường hợp trên 10 tỷ đồng. Do đó, những ý kiến, vướng mắc mà DN đang gặp phải sẽ được các cơ quan liên quan ghi nhận để sớm có thể ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/3/2015, UBCK đã tiếp nhận 60 hồ sơ thoái vốn, trong đó có 23 công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Tổng giá trị đăng ký thoái theo mệnh giá đạt 1.985 tỷ đồng, theo giá khởi điểm 2.244 tỷ đồng.                      

Tin bài liên quan