Ảnh Internet

Ảnh Internet

Quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông tại Luật Doanh nghiệp 2020: Những thay đổi quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) là một trong những quyền quan trọng mà các cổ đông và những người muốn đầu tư vào mô hình công ty cổ phần đều quan tâm.

Đây cũng là quy định liên tục được sửa đổi, cập nhập nội dung trong các Luật Doanh nghiệp 2005, 2014 và 2020. Trong đó, quy định mới tại Luật Doanh nghiệp 2020 được đánh giá là có những điểm cải tiến, nhưng sẽ khó thực thi trong thực tiễn nếu không có quy định hướng dẫn áp dụng một cách rõ ràng.

Phạm vi các cổ đông được quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ đã được mở rộng hơn rất nhiều

Trước hết, cần phải nhìn nhận rằng dù là Luật Doanh nghiệp 2014 hay Luật Doanh nghiệp 2020, thì các đạo luật này đều luôn đặt ra điều kiện đối với chủ thể được quyền yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ.

Xét về mặt lý luận, điều kiện về chủ thể được đặt ra là nhằm đảm bảo tính ổn định trong hoạt động của công ty cổ phần. Nếu trao quyền yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ cho tất cả các cổ đông trong công ty, kể cả các cổ đông chỉ nắm giữ 1-2 cổ phần thì rất dễ dẫn đến sự náo loạn, bất ổn, đặc biệt đối với các thành phần bất mãn, có ý muốn gây rối loạn công ty, gây khó dễ cho ban lãnh đạo.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cũng phải nhìn nhận rằng nếu các nghị quyết được thông qua mà vi phạm Điều lệ công ty, vi phạm quy định pháp luật thì đáng lẽ ra dù là cổ đông nào cũng có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết này.

Trong bối cảnh đó, để vừa cân bằng lợi ích của cổ đông, vừa bảo đảm sự ổn định cần thiết trong hoạt động công ty, pháp luật doanh nghiệp đã thiết kế theo hướng trao quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ cho những chủ thể nhất định, và phạm vi các chủ thể được trao quyền đang có xu hướng mở rộng dần từ Luật Doanh nghiệp 2014 sang Luật Doanh nghiệp 2020.

Theo Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông/ nhóm cổ đông muốn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ phải đáp ứng điều kiện về tỷ lệ cổ phần phổ thông nắm giữ (10% tổng cổ phần phổ thông) và thời hạn nắm giữ các cổ phần này (liên tục trong 6 tháng).

Như vậy, tại thời điểm nghị quyết ĐHĐCĐ được thông qua trái pháp luật, một cổ đông đang sở hữu 8% cổ phần, dù có cố gắng mua thêm 2% cổ phần từ các cổ đông khác, thì vẫn không được quyền yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ, do không đáp ứng điều kiện về thời hạn nắm giữ cổ phần liên tục trong 6 tháng.

Để giải quyết vấn đề này, Luật Doanh nghiệp 2020 khi được ban hành, trước hết đã giảm một nửa tỷ lệ cổ phần yêu cầu nắm giữ và bỏ đi yêu cầu về thời hạn nắm giữ cổ phần. Cổ đông/ nhóm cổ đông chỉ cần nắm giữ 5% tổng cổ phần phổ thông là đã có quyền yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ. Đồng thời, cũng bỏ đi yêu cầu về thời hạn nắm giữ cổ phần, không đòi hỏi các cổ phần này phải được nắm giữ liên tục trong vòng 6 tháng như quy định cũ.

Các thay đổi này là hợp lý, tạo cơ hội cho cổ đông có thể thực hiện quyền yêu cầu hủy nghị quyết bằng cách huy động thêm % cổ phần, có thể mua cổ phần từ các cổ đông khác để đạt tỷ lệ luật yêu cầu mà không lo ngại về thời hạn nắm giữ như trước.

Đặc biệt là trong bối cảnh mà các doanh nghiệp ngày càng phát triển, quy mô ngày càng mở rộng, số lượng cổ đông ngày càng nhiều, thì việc mua bán cổ phần cũng diễn ra ngày càng phổ biến. Việc đặt ra giới hạn về thời hạn nắm giữ cổ phần là không cần thiết và có phần lạc hậu.

Căn cứ yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ do có “vi phạm nghiêm trọng” là chưa đủ rõ ràng và khó thực thi

Theo Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2014, một trong những căn cứ mà Tòa án/ Trọng tài có thể dựa vào để xem xét hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ là khi có sự vi phạm về nội dung (nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty) hoặc vi phạm về hình thức.

Vi phạm về hình thức nghĩa là trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Bất kỳ vi phạm nào về mặt hình thức cũng có thể trở thành căn cứ để cổ đông yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ, mà không phân biệt đến khả năng tác động cũng như mức độ ảnh hưởng của hành vi vi phạm đó đối với nội dung nghị quyết được thông qua.

Điều này đã dẫn đến tình trạng rất nhiều cổ đông gửi đơn đến Tòa án yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ với lý do nghị quyết được thông qua vi phạm trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Trong đó, bao gồm cả những vi phạm rất nhỏ, mà khi vi phạm này xảy ra lại không hề dẫn đến hệ quả xấu nào, không ảnh hưởng đến quyền của cổ đông, không ảnh hưởng đến kết quả biểu quyết, kiểm phiếu, tỷ lệ thông qua nghị quyết.

Chẳng hạn khoản 5 Điều 142 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định “Đại hội đồng cổ đông thảo luận và biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình. Việc biểu quyết được tiến hành bằng cách thu thẻ biểu quyết tán thành nghị quyết, sau đó thu thẻ biểu quyết không tán thành, cuối cùng kiểm phiếu tập hợp số phiếu biểu quyết tán thành, không tán thành, không có ý kiến”.

Tuy nhiên, tại một số cuộc họp để tiết kiệt thời gian, thì việc thu thẻ biểu quyết tán thành, thẻ biểu quyết không tán thành được thực hiện cùng lúc. Xét về khía cạnh thực tiễn, việc thu đồng thời 2 loại phiếu biểu quyết này vừa bảo đảm tính nhanh chóng, lại không có phát sinh vấn đề khác biệt, không ảnh hưởng đến kết quả kiểm phiếu.

Trong khi đó, nếu xét về khía cạnh pháp lý, dựa trên căn cứ của Luật Doanh nghiệp 2014, đây bị coi là một hành vi vi phạm thủ tục họp ĐHĐCĐ. Vì vậy, việc tưởng như không có gì lại có thể trở thành căn cứ để yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ.

Để giải quyết tình trạng này, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định không phải bất kỳ sự vi phạm về hình thức nào cũng có thể trở thành căn cứ để cổ đông yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ, mà chỉ những vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty mới được xem là căn cứ hợp lệ. Nhìn một cách khách quan, đây là sự thay đổi theo hướng tích cực và sẽ góp phần tạo ra sự ổn định trong hoạt động của công ty.

Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện về khả năng thực thi và áp dụng trong thực tiễn, thì quy định này vẫn chưa rõ ràng và có thể tạo ra nhiều tranh chấp. Đặc biệt là vấn đề xác định như thế nào là “vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty”? Vi phạm nào bị coi là nghiêm trọng? Vi phạm nào là không nghiêm trọng? Khi thử tìm trong các điều khoản khác của Luật Doanh nghiệp 2020, nội dung dự thảo các Nghị định mà Chính phủ đang soạn thảo để hướng dẫn thực thi Luật Doanh nghiệp, thì đều không có hướng dẫn cho trường hợp này.

Nếu đã không có quy định hướng dẫn, thì khi có tranh chấp xảy ra, việc nhận định một vi phạm về hình thức trong trình tự, thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ có phải là vi phạm nghiêm trọng hay không sẽ phụ thuộc vào cách nhìn và đánh giá có phần chủ quan của thẩm phán hoặc trọng tài.

Tuy nhiên, thay vì phó thác hết cho việc đánh giá và nhận định của các chủ thể này, thiết nghĩ trước hết cần phải có những quy định hướng dẫn mang tính định hướng về căn cứ để xác định tính chất “nghiêm trọng” của hành vi vi phạm.

Chẳng hạn, nếu có vi phạm về hình thức nhưng hậu quả của hành vi này không ảnh hưởng đến quyền được tham gia, dự họp, quyền biểu quyết của cổ đông, không tác động đến kết quả biểu quyết để thông qua nghị quyết của ĐHDCĐ, thì liệu đó có thể coi là vi phạm không nghiêm trọng hay không?

Qua những phân tích trên, tựu chung lại, những thay đổi của Luật Doanh nghiệp 2020 liên quan đến quyền yêu cầu hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ đang được ghi nhận theo hướng tích cực và kỳ vọng sẽ mang đến sự ổn định trong hoạt động của công ty cổ phần.

Tuy nhiên, có những vấn đề còn mang tính định tính rất cao như việc xác định như thế nào là “vi phạm nghiêm trọng” để làm căn cứ hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ thì cần phải được hướng dẫn và làm rõ thêm. Có như vậy mới có thể đảm bảo tính minh bạch, cụ thể và hiệu quả áp dụng của quy định pháp luật trong thực tiễn.

Tin bài liên quan