Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Thưa ông, hiện thực hóa Hiến pháp năm 2013 cần phải sửa đổi, ban hành mới rất nhiều luật. Với tư cách là lãnh đạo Bộ Tư pháp (cơ quan giúp Chính phủ thẩm định hệ thống văn bản pháp luật), ông đánh giá thế nào về các luật đã được trình Quốc hội?
Để đưa Hiến pháp vào cuộc sống, rất nhiều văn bản pháp luật cần phải được ban hành. Đơn cử, nếu tính cả số lượng luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, thì kể từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, mới qua 3 kỳ họp, Quốc hội đã cho ý kiến, thông qua tổng cộng 83 luật (không tính các nghị quyết của Quốc hội) gần bằng tổng số luật được cho ý kiến, thông qua trong 6 kỳ họp trước đó.
Tôi cho rằng, số lượng luật thông qua rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là các luật được ban hành mới đã thể hiện được tinh thần Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường; mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Nhiều luật liên quan đến xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8. Theo ông, các luật này đã thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp chưa?
Hàng loạt luật quan trọng liên quan đến kinh tế như Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Đất đai… đều nêu bật được tinh thần tôn trọng quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ.
Đơn cử như Luật Đầu tư công quy định cụ thể lĩnh vực, loại dự án đặc biệt quan trọng thì Nhà nước mới đầu tư hoặc tham gia đầu tư. Với các dự án còn lại, tất cả các thành phần kinh tế khác đều được tham gia. Và để thể hiện đúng quy định “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng” đã được hiến định, Luật Đầu tư công quy định cụ thể trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND cấp xã trong việc tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về chủ trương đầu tư trên địa bàn.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đánh giá rất cao Luật Đầu tư, đặc biệt là luật này đã quy định rõ ràng, cụ thể, minh bạch ngành, nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Theo đó, tổ chức, cá nhân được bảo đảm quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm đã được hiến định, mà không cần xin phép bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào.
Nhưng có thực tế là, không ít luật thiếu đồng nhất, thậm chí là mâu thuẫn giữa luật chung và luật chuyên ngành. Điều này khiến nhà đầu tư e ngại vì dễ bị cơ quan quản lý nhà nước gây khó dễ?
Để khẳng định sự nhất quán trong hệ thống pháp luật, Luật Đầu tư cam kết Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư, kinh doanh mà Việt Nam là thành viên; trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện thì thực hiện theo Luật Đầu tư (trừ một số rất ít lĩnh vực thực hiện theo luật chuyên ngành).
Căn cứ vào những quy định này, tôi tin rằng, không cơ quan quản lý nhà nước nào, không cán bộ, công chức, viên chức nào có thể áp dụng pháp luật chuyên ngành trái quy định để gây khó dễ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Tinh thần của Hiến pháp là xây dựng nền kinh tế hội nhập, mở cửa. Muốn vậy, phải xây dựng đồng bộ cả hệ thống pháp luật, chứ không riêng gì các luật liên quan đến kinh tế, tài chính, ngân sách, đầu tư, kinh doanh. Trong đó, đặc biệt là phải xây dựng các luật liên quan đến tố tụng bảo đảm các thiết chế quy định về xét xử khách quan, công bằng, minh bạch, vì chỉ cần một phán quyết chưa đúng, chưa thực sự công tâm cũng có thể ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ông thấy tinh thần Hiến pháp năm 2013 đã đi vào cuộc sống chưa?
Gần đây, chúng ta thấy rất nhiều thông tin liên quan đến việc nhượng quyền khai thác, hay còn gọi nôm na là bán công trình, dự án do Nhà nước đầu tư không chỉ với các dự án đường quốc lộ, mà cả với những công trình lớn như cảng hàng không, cảng biển, đường sắt…
Ngay như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nếu được Quốc hội thông qua, cũng sẽ thu hút nguồn lực của xã hội để đầu tư. Những công trình đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước này, trước đây, không một doanh nghiệp ngoài Nhà nước nào dám mơ có một ngày họ có thể bỏ vốn đầu tư.
Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ để khẳng định Nhà nước đã thực sự trả lại quyền tự do đầu tư, kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm đã được hiến định, hay nói cách khác, Hiến pháp năm 2013 đã thực sự đi vào cuộc sống.