Sức mạnh của thông tin báo chí
Một ví dụ kinh điển vẫn được giới truyền thông quốc tế cũng như doanh nghiệp đại chúng, nhà đầu tư nhắc tới để chứng minh sức mạnh của tin tức, cũng như báo chí tài chính là vụ việc của Hãng hàng không United Airlines.
Vào tháng 12/2002, hãng hàng không này đệ đơn xin phá sản lên tòa án Hoa Kỳ. Ngay khi thông tin được công bố, giá cổ phiếu của hãng lao dốc và không có dấu hiệu hồi phục cho tới năm 2006, khi hãng này hoàn toàn thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Ðây được xem là sự trỗi dậy từ hố sâu với thời gian ngắn nhất trong lịch sử ngành hàng không, thể hiện nỗ lực của Công ty cũng như hiệu quả tích cực từ các biện pháp bảo vệ theo quy định pháp luật đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tới tháng 9/2008, Google News bất ngờ đăng lại các tin tức về vụ phá sản năm 2002 của United Airlines, khiến giá cổ phiếu của hãng mất 76% chỉ trong vài phút.
Phiên giao dịch sau đó, tuy thị giá cổ phiếu United Airlines có sự hồi phục, nhưng vẫn giảm 11% so với thời điểm trước khi các thông tin cũ bị đăng lại.
Một trường hợp khác, nghiên cứu của Journal of Finance chỉ ra rằng, tờ New York Times từng dành không gian khá lớn trong một ấn phẩm để nhắc tới một công ty công nghệ sinh học và nhấn mạnh tới quá trình nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư của hãng.
Các thông tin này tuy không mới, quá trình nghiên cứu đã được biết tới từ ít nhất 5 tháng trước đó nhưng vẫn giúp giá cổ phiếu của công ty công nghệ sinh học tăng từ 12 USD/cổ phiếu lên 85 USD/cổ phiếu.
Emanuele Bajo (Giám đốc Chương trình Global MBA in Corporate Finance tại Bologna Business School) và Carlo Raimondo (University of Lugano) từng công bố nghiên cứu cho thấy, “ngữ điệu” mà báo chí sử dụng khi đăng tin về các thương vụ IPO sắp diễn ra có tác động quan trọng tới quá trình định giá cổ phiếu.
Không riêng nghiên cứu này, nhiều báo cáo khác cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp có xu hướng xác định giá cổ phiếu ở mức thấp hơn mức thị trường sẵn sàng trả, một phần bởi tác động từ góc nhìn của truyền thông.
Diễn biến này khẳng định, báo chí có thể tác động tới tâm lý và hành động của không chỉ nhà đầu tư, mà còn cả các doanh nghiệp; là một phần của hệ sinh thái tài chính trên toàn cầu.
Một phần nguyên nhân tạo nên sức mạnh này là bởi báo chí đóng vai trò người giám sát, luôn quan sát mọi động tĩnh của thị trường để chỉ ra các rủi ro tiềm ẩn, phơi bày các hành vi sai trái và dự báo xu hướng cho thời gian tới.
Trong đó, báo chí là tiếng nói mang tính quyết định tới việc cải thiện chất lượng của hoạt động quản trị doanh nghiệp, đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc sai trái, góp phần tạo nên chuẩn mực mới đối với quản trị.
Báo chí ở đâu trong cơn bão mạng xã hội?
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động tác nghiệp của người làm báo.
Thông tin về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), IPO, diễn biến của thị trường chứng khoán… chỉ mất vài phút, vài giây để lan tỏa ra toàn cầu với sự trợ giúp của công nghệ.
Những thay đổi này cũng tác động lớn tới ngành tài chính. Khi tin tức có “siêu năng lực” truyền tải nhanh và rộng, nhà đầu tư cũng phải tự cải thiện khả năng phản ứng trước thông tin của mình.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đặt ra những thách thức mà lĩnh vực báo chí cần phải tìm cách vượt qua.
Những tranh luận về tình trạng bùng nổ tin tức giả, hay các ý kiến chỉ trích giới báo chí tài chính đã không còn làm tròn nhiệm vụ giám sát thị trường như giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007 - 2008) xuất hiện trong thời gian gần đây đang đặt ra câu hỏi về vai trò của báo chí đối với các thị trường tài chính ngày nay.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của việc sản xuất tin tức tự động và thị trường giao dịch với tần suất nhanh chóng dựa vào các thuật toán, vì vậy, không khó hiểu khi nhiều người bắt đầu nghi ngờ những đóng góp của báo chí cho thị trường tài chính hiện đại.
Sau hơn 10 năm kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, báo chí nói chung và báo chí tài chính nói riêng vẫn không ngừng cải thiện bản thân để đáp ứng những đòi hỏi mới của kỷ nguyên thông tin số, với đặc điểm là thông tin xuất hiện và phát tán với tốc độ rất nhanh.
Quyền lực của báo chí tài chính ít có sự thay đổi ngay cả trong bối cảnh mới, bởi các thông tin xuất hiện tràn lan, những tin tức có ý nghĩa đích thực vẫn hiện diện chủ yếu trên các mặt báo.
Mỗi ngày, cơn lũ thông tin tràn ngập thị trường từ đủ mọi nguồn, nhất là mạng xã hội, dễ gây nhiễu loạn thì những thông tin chính thống trên mặt báo sẽ là tín hiệu đúng cho nhà đầu tư khi nhìn nhận, đánh giá về thị trường, để từ đó đưa ra những quyết định chính xác.
Jerry Seinfeld, đạo diễn, nhà văn nổi tiếng người Anh đánh giá: “Thật kỳ diệu bởi lượng tin tức diễn ra trên toàn cầu mỗi ngày vừa vặn hoàn hảo với các trang báo”.
Nhận định này cho thấy, báo chí vẫn đang là phương tiện truyền tải tin tức đích thực tới thành viên của các thị trường tài chính khắp thế giới.
Cuộc khảo sát 20 chuyên gia phỏng vấn và 40 tổ chức báo chí tài chính năm 2019 của nhóm nghiên cứu tới từ Ðại học Amsterdam và nhiều tổ chức khác cho thấy, các nhà báo tài chính cho rằng, tin tức được đăng tải hàng ngày không chỉ có phản ứng tương tác với thị trường ngay lập tức, mà còn có ảnh hưởng trong dài hạn.
Trong trường hợp tin tức từ nhiều nguồn báo chí chính thống khác nhau có cùng góc nhìn, nó có tác động lớn trong việc thay đổi cách nhìn của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư, từ đó có thể tạo bước ngoặt mới trên thị trường.
Với sự bùng nổ của mạng xã hội, ngành công nghiệp báo chí toàn cầu, trong đó có Việt Nam đã trải qua một thập niên không dễ dàng khi doanh thu quảng cáo bị ảnh hưởng và lượng độc giả bị san sẻ sang các kênh truyền thông khác.
Tuy nhiên, với thị trường tài chính thì khác khi đây là thị trường mà ở đó thông tin là tiền. “Thị trường tài chính có tính chất riêng và tại đây, các tòa soạn thể hiện được vai trò dẫn dắt của mình giữa ngồn ngộn thông tin sẽ nhận lại sự trung thành của người đọc”, Robert J Shiller, tác giả cuốn sách “Irrational Exuberance” nhận định.