Quyền lực của người đại diện theo pháp luật trong CTCP

Quyền lực của người đại diện theo pháp luật trong CTCP

(ĐTCK) Việc phải để ĐHCĐ họp quyết định một hợp đồng giao dịch sẽ dễ làm lỡ mất cơ hội kinh doanh của DN.

Kỳ 1: Phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật

LTS: Luật Doanh nghiệp (DN) 2005 quy định, trong trường hợp Điều lệ công ty không quy định chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật, thì giám đốc hoặc tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Tuy nhiên, Luật không có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Điều đó đã gây ra nhiều rắc rối trong việc quản lý của công ty cũng như gây mất an toàn về mặt pháp lý đối với bên thứ ba khi giao dịch với công ty. Vậy đâu là phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật trong CTCP? ĐTCK xin giới thiệu loạt bài viết về vấn đề này của Ths. Vũ Văn Tính và Ths. Nguyễn Hồng Linh, Công ty Luật LT & Partners. Mọi trao đổi với tác giả xin gửi theo email: vantinh.ltp@gmail.com.

 

Quyền lực của người đại diện theo pháp luật trong CTCP ảnh 1

Luật DN 2005 không có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

 

Luật DN 2005 không quy định cụ thể phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật, do đó, cần căn cứ vào luật chung là Bộ luật Dân sự 2005 để xác định phạm vi đại diện này. Theo Điều 144, Bộ luật Dân sự, người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người đại diện theo pháp luật nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự. Pháp luật DN đã quy định công ty có người đại diện theo pháp luật có nghĩa là ý chí của công ty được thể hiện thông qua hành động của người đại diện. Như vậy, tất cả các giao dịch giữa công ty với bên thứ ba phải được sự chấp thuận của người đại diện theo pháp luật mới có hiệu lực và có giá trị ràng buộc đối với công ty. Sự chấp thuận được thể hiện qua việc người đại diện theo pháp luật trực tiếp ký các văn bản giao dịch, hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình ký kết các giao dịch nhân danh công ty.

Ngoài ra, việc người đại diện theo pháp luật biết các giao dịch đã được ký kết bởi người không được mình ủy quyền nhưng không phản đối cũng được coi là đã chấp thuận (Khoản 2, Điều I, Nghị quyết 04/2003 của Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế).

Có lập luận cho rằng, căn cứ vào điểm d, khoản 2, Điều 96 và điểm g, khoản 2, Điều 108, Luật DN 2005 về một số giao dịch phải có sự phê duyệt của ĐHCĐ hoặc HĐQT để cho rằng, nếu không có sự phê duyệt này thì các giao dịch, hợp đồng sẽ bị vô hiệu (kể cả là được ký hợp lệ bởi người đại diện theo pháp luật). Lập luận trên là không có cơ sở pháp lý, vì các quy định này chỉ nhằm hướng dẫn việc phân chia công việc quản lý mang tính nội bộ của công ty. Mặt khác, việc người đại diện theo pháp luật ký kết các hợp đồng khi chưa nhận được phê duyệt mang tính nội bộ của tổ chức không thuộc các trường hợp hợp đồng vô hiệu trong Điều 127, Bộ luật Dân sự 2005.

Tuy nhiên, khi giao dịch với các CTCP của Việt Nam , các bên thứ ba cần lưu ý một số trường hợp giao dịch dù có sự chấp thuận của người đại diện theo pháp luật, nhưng nếu không tuân thủ một số quy định về thủ tục thì hợp đồng vẫn có thể bị tuyên vô hiệu. Cụ thể, (1) hợp đồng được ký với những cổ đông lớn hoặc người có liên hệ tới người quản lý trong công ty không được HĐQT hoặc ĐHCĐ phê duyệt; (2) hợp đồng, giao dịch không thuộc lĩnh vực công ty có đăng ký kinh doanh.

Về trường hợp 1, khoản 4, Điều 120, Luật DN 2005 quy định, các giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây không được sự phê duyệt của HĐQT hoặc của ĐHCĐ thì sẽ bị vô hiệu mà không phụ thuộc vào việc có được ký bởi người đại diện theo pháp luật hay không: cổ đông, người đại diện uỷ quyền của cổ đông sở hữu trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan; thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc; DN quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều 118 của luật này và người có liên quan của thành viên HĐQT, giám đốc hoặc tổng giám đốc. Các giao dịch với những đối tượng trên nếu có giá trị nhỏ hơn 50% tổng giá trị tài sản DN ghi trong báo cáo tài chính kỳ kế toán gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty phải được HĐQT phê duyệt. Các giao dịch có giá trị lớn hơn mức 50% phải được ĐHCĐ phê duyệt.

Đây là các giao dịch giữa công ty với những người có mối liên hệ nào đó (trực tiếp hoặc gián tiếp) với người quản lý trong công ty mà nhà làm luật cho rằng, những giao dịch này cần phải được kiểm soát theo thủ tục đặc biệt (khoản 2, 3, Điều 120, Luật DN) để đảm bảo tính khách quan, tránh sự lạm dụng các mối quan hệ quen biết để gây thiệt hại cho lợi ích của công ty.

Việc kiểm soát này là cần thiết, nhưng trong thực tế, những “người quen” kể trên (để phân biệt với khái niệm “người có liên quan” trong Luật DN 2005) vẫn có thể ký kết hợp đồng giao dịch với công ty một cách bình đẳng, đem lại lợi ích cho công ty cũng như các cổ đông khác. Nếu chỉ căn cứ vào lý do không tuân thủ đúng thủ tục kiểm soát nội bộ để tuyên bố một hợp đồng vô hiệu là cứng nhắc và có thể gây thiệt hại cho bên thứ ba ngay tình. Quy định này cũng có thể bị lạm dụng để công ty thoái thác nghĩa vụ của mình (xem bài Thoái thác trách nhiệm bằng hợp đồng vô hiệu trên Báo ĐTCK số ra ngày 2/7/2012).

Ngoài ra, việc phải để ĐHCĐ họp nhằm quyết định một hợp đồng, giao dịch sẽ dễ làm lỡ mất cơ hội kinh doanh của công ty. Kinh nghiệm từ các nước Anh, Pháp, Mỹ cho thấy, các giao dịch loại này chỉ cần có sự đồng ý trước của HĐQT là đủ. Các hệ thống luật này thường coi trọng vai trò kiểm soát của HĐQT và tính tự giác, trung thực trong việc giao dịch của các bên trong hợp đồng. Nếu các bên giao dịch không khách quan, trách nhiệm cuối cùng của họ cũng bị truy cứu nếu người bị thiệt hại có đơn khiếu kiện.

Vì vậy, để tạo an toàn về mặt pháp lý đối với bên thứ ba khi giao dịch với DN cũng như không làm mất đi các cơ hội kinh doanh của DN, Luật DN sửa đổi nên quy định một cách linh hoạt, các hợp đồng và giao dịch được ký giữa công ty với “người quen” kể trên do HĐQT chịu trách nhiệm kiểm soát và có thể bị tuyên vô hiệu nếu việc ký kết các hợp đồng và giao dịch đó không khách quan, làm thiệt hại đến lợi ích của DN.

(Xem tiếp kỳ sau)