Kỳ 2: Một số tồn tại liên quan đến quy định người đại diện theo pháp luật
Cần đảm bảo công ty luôn có người đại diện theo pháp luật trong mọi hoàn cảnh
Trước khi bắt đầu nội dung này, chúng tôi bàn về trường hợp thứ hai có thể khiến hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu, dù có sự chấp thuận của người đại diện theo pháp luật, đó là hợp đồng, giao dịch không thuộc lĩnh vực công ty có đăng ký kinh doanh (trường hợp thứ nhất, xem ở bài viết trên ĐTCK số 109, ngày 11/9/2013).
Khoản 1, Điều 9, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, công ty có nghĩa vụ “hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Dựa vào quy định này, rất nhiều trường hợp tòa án đã tuyên các hợp đồng vô hiệu. Như vậy, dù có sự chấp thuận của công ty thông qua chữ ký của người đại diện theo pháp luật, nhưng khi tranh chấp xảy ra, nhiều giao dịch, hợp đồng đã bị tòa án tuyên vô hiệu.
Đáng chú ý là trường hợp công ty mẹ đứng ra bảo lãnh cho một công ty con trong một giao dịch nào đó. Khi muốn thoái thác nghĩa vụ bảo lãnh của mình, công ty mẹ có thể yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng bảo lãnh vô hiệu, vì việc bảo lãnh không thuộc hoạt động kinh doanh của công ty (việc bảo lãnh, cho vay về nguyên tắc là hoạt động của tổ chức tín dụng được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng 2012).
Việc tuyên vô hiệu một hợp đồng hoặc giao dịch bởi lý do giao dịch đó không thuộc phạm vi ngành nghề được đăng ký kinh doanh của công ty mà không xem xét một cách khách quan động cơ, mục đích của giao dịch cũng như quyền lợi của các bên liên quan sẽ gây thiệt hại rất lớn, nhất là đối với các bên thứ ba.
Chúng tôi cho rằng, pháp luật cần quy định: “Công ty vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với bên thứ ba ngay cả trong trường hợp các giao dịch này không thuộc các ngành, nghề ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trừ khi công ty chứng minh được rằng các bên thứ ba đã biết về việc này”.
Quay trở lại chủ đề của bài viết này, quy định chỉ một người có quyền đại diện theo pháp luật như hiện nay có thể khiến hoạt động kinh doanh của công ty bị đình trệ, thậm chí bị tê liệt, ví dụ trong một số tình huống sau đây:
(i) Khi người đại diện theo pháp luật không thể thực hiện được công việc của mình (do từ chức, miễn nhiệm, ốm đau, tai nạn...) mà công ty lại chưa thể (hoặc không muốn) làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật kịp thời.
(ii) Khi người đại diện theo pháp luật đi nước ngoài dưới 30 ngày nhưng không muốn ủy quyền lại cho người khác.
(iii) Khi người đại diện theo pháp luật xung đột với HĐQT và không chịu hợp tác trong việc ký kết các văn bản, giao dịch của công ty, đồng thời không muốn ủy quyền cho người khác (ví dụ, khi điều lệ quy định Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật đồng thời Chủ tịch HĐQT lại được ĐHCĐ bầu ra, thì Chủ tịch HĐQT sẽ có một tầm quan trọng rất lớn và nếu muốn thay đổi người đại diện theo pháp luật chỉ còn cách họp ĐHCĐ).
Mặt khác, quy định hiện tại về HĐQT có thể gây xung đột thẩm quyền đại diện của công ty. Khoản 1, Điều 108, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: HĐQT có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ.
HĐQT bao gồm các thành viên được các cổ đông trực tiếp bầu bằng lá phiếu của mình. Như vậy, hoàn toàn có cơ sở cho rằng, các thành viên HĐQT là các “đại biểu” đại diện cho quyền lợi của công ty. Đối chiếu với định nghĩa về đại diện trong Bộ luật Dân sự 2005 (Điều 139), việc cho phép HĐQT “có toàn quyền nhân danh công ty” có nghĩa là luật đã công nhận HĐQT là người đại diện hợp pháp được các cổ đông ủy quyền quản lý toàn bộ khối tài sản của công ty, trừ những phạm vi quyết định thuộc về ĐHCĐ. Như vậy, các giao dịch của công ty với bên thứ ba phải có chữ ký của tất cả hoặc của đa số thành viên HĐQT thì mới có hiệu lực pháp lý.
Chế định “người đại diện theo pháp luật” trong công ty cổ phần của Việt
Để bảo đảm quyền lợi cho các bên thứ ba khi giao dịch với công ty cũng như để đảm bảo cho công ty luôn có người đại diện, chúng tôi cho rằng, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần bổ sung một điều về người đại diện theo pháp luật dựa trên quyền hạn hiện nay của HĐQT. Theo đó, Luật có thể quy định:
“HĐQT chỉ định một thành viên làm người đại diện theo pháp luật để đại diện cho công ty trong mối quan hệ với các bên thứ ba. Tất cả các văn bản được ký bởi người đại diện theo pháp luật đều có tác dụng ràng buộc công ty. Các quy định mang tính nội bộ nhằm hạn chế quyền của người đại diện theo pháp luật đều không có giá trị đối với bên thứ ba. HĐQT có quyền thay thế người đại diện bất kỳ lúc nào nếu xét thấy cần thiết và HĐQT phải đảm bảo công ty luôn có người đại diện theo pháp luật trong mọi hoàn cảnh. Việc chỉ định người đại diện theo pháp luật phải được công bố công khai theo quy định tại Điều 28 của Luật này”.
Quy định này ràng buộc trách nhiệm của HĐQT trong việc phải đảm bảo công ty luôn có người đại diện, đồng thời cho phép HĐQT được quyền chủ động chỉ định người làm đại diện cho công ty.
Tên tuổi của người đại diện theo pháp luật không nhất thiết phải ghi trong giấy đăng ký DN như hiện nay, mà chỉ cần công ty đăng ký danh sách tên tuổi, chữ ký của các thành viên HĐQT với cơ quan đăng ký kinh doanh, đồng thời công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay đang áp dụng với vị trí người đại diện theo pháp luật. Quy định về công bố thông tin cũng được áp dụng khi thay đổi thành viên HĐQT. Bên thứ ba khi giao dịch với công ty chỉ cần kiểm tra xem người ký hợp đồng với mình có nằm trong danh sách thành viên HĐQT hay không là có thể yên tâm ký kết hợp đồng.