Thứ nhất là mua lại chứng chỉ quỹ trên thị trường như các DN niêm yết mua cổ phiếu quỹ. Thực tế, VF1 đã xin thực hiện điều này từ năm 2004 - 2005 nhưng không được phép, vì vướng khung pháp lý.
Cách thứ hai là VF1 trả cổ tức cao. Đây là phương pháp VF1 đã thực hiện trong năm 2009 (cổ tức 22%), nhưng không thể tiếp tục trong năm 2010, vì sau khi tạm ứng cổ tức đợt 1 là 5% thì hiệu quả hoạt động Quỹ đã suy giảm cùng với sự đi xuống của thị trường vào cuối năm.
Phương án cuối cùng là VF1 xin hoán đổi toàn bộ hoặc một phần thành quỹ mở. Nhưng trước mắt, giải pháp này vẫn phải chờ đợi văn bản hướng dẫn cho mô hình quỹ mới được ban hành dự kiến vào 1/7/2011. Tại đại hội, VF1 đã xin ý kiến sửa đổi điều lệ quỹ: "Quỹ VF1 có thể chuyển đổi thành loại hình quỹ khác theo quyết định đại hội NĐT và được sự chấp thuận của UBCK" và đã được thông qua.
Ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc VFM cho biết, năm 2011, VF1 tiếp tục theo định hướng đầu tư giá trị. Cụ thể, VF1 sẽ duy trì tỷ trọng cổ phiếu niêm yết ở mức hợp lý, trong đó đa phần tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và phân bổ một phần giá trị tài sản vào trái phiếu chuyển đổi. Ngành nghề tập trung trong năm 2011 là các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ viễn thông, bất động sản, vật liệu, khai khoáng. Bên cạnh đó, VF1 tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu sắp niêm yết với vai trò cổ đông chiến lược, cũng như tham gia quá trình IPO các DN lớn.
Kết thúc năm 2010, VF1 lỗ 203,6 tỷ đồng, NAV là 2.126 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm (bao gồm cổ tức 15% đã thanh toán cho NĐT). Năm qua, VF1 đã giảm tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng từ 18,7% xuống còn 5%. Tính đến ngày 31/12/2010, VF1 còn hơn 143 tỷ đồng tiền mặt và trong ngắn hạn vẫn thực hiện chiến lược gia tăng tiền mặt.
Nhận định về TTCK năm 2011, ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT VFM cho rằng, tại ngưỡng 450 điểm, VN-Index có xác suất bật lên cao hơn là giảm sâu. Các vấn đề nóng như thâm hụt thương mại, tỷ giá… có thể đã thuộc về quá khứ, khi Chính phủ có nhiều biện pháp kiểm soát ổn định tình hình. Ông Dominic Scriven dự báo, 50 DN niêm yết lớn nhất hai sàn trong năm 2011 sẽ có tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 21,3%, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 28,1%, mức P/E dự phóng cho năm 2011 và 2012 lần lượt là 8,5 và 7 lần. Đây là các chỉ số định giá thấp và hấp dẫn nhất trong khu vực.