Tháng 2 thua lỗ đầu tiên
Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ tính bằng đồng SEK (Krona Thụy Ðiển) của Tundra Việt Nam giảm 2,1% trong tháng 2/2020, trong bối cảnh chỉ số VN-Index giảm 4,8%.
Ðây là tháng 2 có hiệu suất đầu tư âm đầu tiên của Quỹ, ít nhất kể từ năm 2014 tới nay. Trong khi đó, tính theo đồng USD, Tundra Việt Nam có hiệu suất đầu tư âm 3,1% trong tháng 2, sau khi đã âm 4,9% trong tháng 1, đưa tổng mức giảm lên 7,8%.
Mối lo ngại về sự gia tăng không ngừng của các trường hợp nhiễm bệnh do virut Corona khiến các thành viên thị trường giữ tâm lý tiêu cực, trong đó những cổ phiếu liên quan tới du lịch, FDI và sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Việc Tundra Việt Nam nắm giữ tỷ trọng thấp các cổ phiếu nhóm công nghiệp (Vietjet Air, Hoàng Huy), bất động sản (nhóm cổ phiếu Vingroup) và hàng tiêu dùng thiết yếu (Vinamilk, Masan) đã giúp Quỹ có hiệu suất tích cực hơn so với thị trường chung.
Thêm vào đó, việc đặt cược lớn vào các cổ phiếu nhóm tài chính (STB, VCB) và công nghệ thông tin (FPT) đã phần nào phát huy tác dụng, giúp kết quả hoạt động của Tundra Việt Nam có phần độc lập hơn so với thị trường.
Trong khi đó, nhóm có ảnh hưởng tiêu cực nhất là lĩnh vực năng lượng, trong đó có cổ phiếu PGS.
Trong tháng 2, Tundra Việt Nam có động thái hạ tỷ lệ nắm giữ đối với cổ phiếu nhóm tài chính. “Chúng tôi cho rằng, giá trị của các cổ phiếu này đã tới mức hợp lý và Quỹ sẽ tiến hành tái phân bổ danh mục đầu tư trong những tháng tới, tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, dù bị tổn thương bởi dịch bệnh trong ngắn hạn”, Tundra Việt Nam chia sẻ.
Tính tới cuối tháng 2, tỷ trọng ngành tài chính trong danh mục của Tundra Việt Nam giảm từ 24% xuống 23%, đối với ngành hàng tiêu dùng thiết yếu là từ 11% xuống 10%, trong khi tiền mặt tăng từ mức 0% lên 2%.
Chịu tác động bởi phụ thuộc vào vốn FDI và thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc
Thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam được cải thiện trong tháng 2 với giá trị giao dịch trung bình 180 triệu USD, so với 171 triệu USD trong tháng 1.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái bán ròng, tổng cộng 131 triệu USD trong tháng 2, so với mua ròng 82 triệu USD trong tháng 1. Khối ngoại bán ròng là xu hướng chung của dòng vốn ngoại trên toàn cầu.
Chứng khoán Việt Nam bị khối ngoại bán ra bởi mối lo ngại dịch Covid-19 sau khi bùng phát tại Trung Quốc đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...
Mặc dù Việt Nam đã làm tốt việc kiểm soát dịch cho tới nay, tuy nhiên, việc phụ thuộc vào hoạt động thương mại và dòng vốn FDI từ các quốc gia trong khu vực sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới nền kinh tế.
Hàn Quốc và Trung Quốc đang là những quốc gia đóng góp chính cho dòng vốn FDI vào Việt Nam và đều là những đối tác thương mại hàng đầu.
Trong khi đó, 2 quốc gia này đang phải áp dụng các lệnh cấm vận/hạn chế đi lại và hoạt động sản xuất - kinh doanh đình trệ trong hơn 1 tháng qua, tác động mạnh tới du lịch, FDI và thương mại.
Hàn Quốc và Trung Quốc đang chiếm thị phần tổng cộng lần lượt khoảng 56%, 30% và 71% đối với du lịch, FDI và thương mại tại Việt Nam.
Tundra Việt Nam đánh giá, Quỹ bắt đầu nhận thấy những tín hiệu về việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại do ảnh hưởng từ các lệnh hạn chế đi lại qua biên giới.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 2 giảm xuống 49 điểm lần đầu tiên trong 4 năm qua, phản ánh hoạt động sản xuất và các đơn hàng mới bị thu hẹp.
Ðiều này không đồng nghĩa với nhu cầu đi xuống, nhưng phản ánh những hạn chế về nguồn cung tại Trung Quốc, khi hoạt động sản xuất tại đây chưa thể khôi phục hoàn toàn sau chiến tranh thương mại với Mỹ, cũng như dịch Covid-19 bùng phát.
Trong khi đó, FDI đăng ký trong 2 tháng đầu năm là 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% và FDI giải ngân đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.