Siết trách nhiệm
Chủ đầu tư sẽ không thể đổ lỗi cho luật, khi lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực thực hiện gói thầu sau khi Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực vào 1/7 tới đây.
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã thẳng thắn khẳng định với báo chí như vậy trong Hội nghị phổ biến Luật Đấu thầu được tổ chức tại Hà Nội ngày hôm qua (13/2). Cơ sở của điều này, theo ông Tăng, là những thay đổi lớn trong các quy định liên quan đến lựa chọn nhà thầu, nhất là việc bổ sung phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp hơn với từng loại hình và quy mô của gói thầu.
“Đơn cử như phương thức mới một giai đoạn, hai túi hồ sơ với quy trình chấm năng lực về kỹ thuật của nhà thầu trước khi xem xét giá chào thầu sẽ khắc phục tình trạng bỏ giá thầu thấp nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu”, ông Tăng phân tích và cho rằng, cách đánh giá này cũng giải tỏa áp lực cho chủ đầu tư trong việc phải lựa chọn nhà thầu bỏ giá thấp, khi theo quy định hiện hành, chủ đầu tư sẽ phải xét cùng lúc cả năng lực kỹ thuật và giá chào thầu của nhà thầu.
Cùng với đó, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu cũng đã được mở rộng, từ một phương pháp đánh giá hiện hành thành 4 phương pháp, bao gồm cả phương pháp giá thấp nhất, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá, phương pháp đánh giá năng lực, kinh nghiệm… để phù hợp với quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể.
Ngay cả quy định về xét ưu tiên cho nhà thầu cũng được quy định rõ theo nguyên tắc dựa trên uy tín của nhà thầu trong việc thực hiện các gói thầu trước đó chứ không đơn giản là số lượng các gói thầu tương tự đã tham gia như quy định hiện nay.
Thực tế, những khúc mắc trong mối quan hệ giữa giá rẻ và năng lực nhà thầu trong hoạt động đấu thầu đã kéo dài rất nhiều năm nay. Ngay ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GP Invest, một người đã hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gần 50 năm cũng buộc phải thừa nhận, rất khó cho chủ đầu tư khi chấm cho hồ sơ dự thầu vì phương pháp giá đánh giá dù đúng, nhưng rất khó thực hiện và thường thì việc chọn giá thấp là cách “an toàn” nhất để chủ đầu tư đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước… Đây là lý do mà nhiều chủ đầu tư vẫn đổ lỗi cho quy định của luật, khi họ bị rơi vào tình trạng nhà thầu được chọn không đủ năng lực thực hiện gói thầu theo yêu cầu.
Cũng phải nói thêm, quy định mới trong Luật Đấu thầu 2013 về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu cũng làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khi yêu cầu đảm bảo độc lập về cả pháp lý và tài chính giữa các bên tham gia đầu tư, gồm nhà thầu nộp hồ sơ tham dự, nhà thầu tham dự thầu, nhà thầu tư vấn giám sát và nhà đầu tư. Ông Tăng cho biết, với quy định này, tình trạng công ty con của chủ đầu tư tham gia dự thầu và trúng thầu như đã từng xuất hiện không hiếm trong thời gian qua cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
Thống nhất quy định trong đấu thầu
Ngay trong tuần làm việc đầu tiên sau Tết Giáp Ngọ, “hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam về đấu thầu”, theo cách nói của ông Tăng về buổi làm việc giữa đại diện các nhà tài trợ cho Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… và Cục Quản lý đấu thầu, đã thống nhất được kế hoạch xây dựng văn bản về việc áp dụng thống nhất các quy định về đấu thầu đối với các dự án sử dụng vốn của các nhà tài trợ.
Theo đó, vào khoảng tháng 11/2014, các bên sẽ hoàn tất các quy định và quy trình đấu thầu áp dụng cho các dự án để có thể áp dụng chính thức vào năm 2015.
Nếu như tính tới kế hoạch đã được công bố trước đó về việc hoàn tất dự thảo 2 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu về đấu thầu lựa chọn nhà thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để báo cáo Bộ Tư pháp vào tháng 3, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4 để chuẩn bị cho thời điểm hiệu lực của Luật Đấu thầu vào 1/7/2014, có thể nói, mục tiêu cụ thể hóa, đơn giản hóa và chấm dứt sự chồng chéo, khác biệt trong quy định về đấu thầu sẽ được thực hiện không chỉ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước mà còn với cả các dự án sử dụng vốn của các nhà tài trợ.
Hơn thế, điều này cũng có nghĩa là, các quy định của Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu đã tiệm cận với thông lệ quốc tế, được sử ủng hộ của các nhà tài trợ.
“Việc thống nhất được điều này là vô cùng thuận lợi, vì theo quy định hiện hành, mỗi nhà tài trợ đều có quyền yêu cầu thực hiện quy định của họ về đấu thầu khi thực hiện dự án sử dụng vốn của nhà tài trợ đó. Không bàn tới sự khác biệt trong các quy định mà chỉ riêng việc các công chức ở địa phương phải học đủ các quy định của các nhà tài trợ để thực hiện công việc quản lý nhà nước của mình với các dự án của các nhà tài trợ cũng là sức ép lớn và không dễ thực hiện”, ông Tăng chia sẻ.
Đặc biệt, đối với một số hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, như hoạt động đấu thầu mua sắm nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thì Luật Đấu thầu cũng yêu cầu doanh nghiệp phải ban hành quy chế mua sắm của đơn vị mình, chấm dứt tình trạng tùy tiện…