Theo đó, quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) vừa bán ra 1.705.400 cổ phiếu JVC để giảm sở hữu từ 5,63% về còn 4,12% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 7/9. Như vậy, sau giao dịch, quỹ ngoại này không còn là cổ đông lớn tại JVC.
Trước đó, quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) liên tục bán ra cổ phiếu JVC để giảm sở hữu. Cụ thể, ngày 31/8 bán ra 886.300 cổ phiếu và ngày 1/9 bán ra 3.113.700 cổ phiếu JVC.
Được biết, cổ phiếu JVC vừa trải qua chuỗi tăng mạnh. Cụ thể, từ ngày 7/7 đến ngày 13/9, cổ phiếu JVC đã tăng 60,5% lên 5.490 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ đông lớn bán ra khi cổ phiếu vừa trải qua chuỗi tăng mạnh.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2021 (niên độ kế toán từ 1/4/2021 đến ngày 30/6/2021), JVC ghi nhận doanh thu tăng 8,3% lên 97,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 0,36 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 0,73 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 21,2% về còn 10,9%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 44% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 8,42 tỷ đồng về 10,7 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 53,4%, tương ứng giảm 7,3 tỷ đồng về 6,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý I/2021, lợi nhuận JVC lỗ chủ yếu do lợi nhuận gộp giảm mạnh so với cùng kỳ và không đủ bù đắp các chi phí.
Tính tới 30/6/2021, tổng tài sản của JVC tăng 2,1% so với đầu năm lên 641 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định đạt 192,2 tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền đạt 134,7 tỷ đồng, chiếm 21% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 125 tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Đặc biệt, với việc ghi nhận lỗ trong kỳ, tính tới 30/6/2021, công ty đã có lỗ lũy kế lên tới 1.092,2 tỷ đồng, bằng 97,08% vốn điều lệ và có nguy cơ hủy niêm yết nếu như lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.