Năm nay, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư vào các thị trường ổn định và nhiều tiềm năng hơn và Việt Nam được quan tâm hàng đầu

Năm nay, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư vào các thị trường ổn định và nhiều tiềm năng hơn và Việt Nam được quan tâm hàng đầu

Quỹ ngoại tấp nập xếp hàng vào thị trường chứng khoán Việt

(ĐTCK) Tiếp nối đà bán ròng trong tuần trước, phiên giao dịch đầu tuần này, khối ngoại bán ròng 4 triệu cổ phiếu. Theo ông Ong Seng Yeow, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích toàn cầu, Tập đoàn Maybank Kim Eng MBKE, giao dịch của khối ngoại có khả năng xáo trộn cho tới khi kỳ điều chỉnh danh mục của các quỹ ETF kết thúc.

Khối ngoại đã bán ròng liên tục từ đầu tuần trước tới nay. Phải chăng, sau một thời gian mua ròng trước đó, dòng vốn này đang chững lại, thưa ông?

 Ông Ong Seng Yeow

Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này. Số liệu vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 133 triệu USD, tương đương 40% giá trị mua ròng trong cả năm 2013. Mặc dù dòng vốn đầu tư qua các quỹ ETFs hiện đang chiếm tỷ lệ lớn, nhưng vẫn có những dòng vốn khác đang chảy vào thị trường.

Ngay sau Tết Nguyên đán, TTCK Việt Nam đã có một quỹ đầu tư ngoại “nhảy vào”, và hiện có 2 quỹ khác đang trong giai đoạn nghiên cứu thị trường. Ngoài ra, một số quỹ hàng đầu cũng đã huy động thành công, tức một lượng tiền lớn cũng đã đổ vào Việt Nam. Qua đó cho thấy, diễn biến của dòng vốn ngoại trong thời gian tới vẫn có xu hướng rót ròng.

Trong 2 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giải ngân trên nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, mà cả những cổ phiếu có vốn hóa trung bình. Ông đánh giá động thái này ra sao?

Nhóm cổ phiếu bluechips luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhóm này đã tăng liên tục trong suốt thời gian qua, nên mức giá đã không còn hấp dẫn. Trái lại, nhiều cổ phiếu nhỏ và trung bình lại đang được định giá khá rẻ, những nhóm cổ phiếu này được xem như một phương tiện để đầu tư dài hạn của dòng vốn ngoại. Loại cổ phiếu này cần nhiều thời gian để đạt được mức giá tương đối và kỳ vọng thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện đáng kể cho đến lúc đó.

Vậy diễn biến TTCK Việt Nam trong tháng 3 - 4 sẽ bị tác động như thế nào bởi hoạt động tái cơ cấu danh mục (review) của các quỹ ETF, theo ông?

Tái cơ cấu danh mục đầu tư là hoạt động bình thường của quỹ ETF. Trong kỳ tái cơ cấu, một số cổ phiếu sẽ được đưa ra và một số khác được bổ sung vào danh mục. Do vậy, nếu ETFs có tác động thì chỉ tạm thời trong vài phiên giao dịch, khi kết thúc review thì TTCK sẽ có xu hướng tăng trở lại.

Trong giai đoạn này, ETFs không là yếu tố chính tác động tới TTCK, mà kết quả kinh doanh quý I/2014 của các doanh nghiệp mới là nhân tố thúc đẩy. Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu đang tiến triển tốt, từ đó, kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng khả quan. Điều này sẽ tạo động lực tích cực đối tới TTCK.

Nhìn xa hơn, từ nay đến cuối năm, nguồn vốn ngoại sẽ có ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam như thế nào?

Theo tôi, năm 2014, TTCK Việt Nam sẽ thu hút được vốn ngoại đáng kể so với các thị trường trong khu vực, bởi 3 lợi thế: định giá thị trường Việt Nam vẫn rẻ, kinh tế vĩ mô được cải thiện đáng kể và gần như miễn dịch với các biến động thị trường bên ngoài.

Bên cạnh đó, thông tin nới room đối với khối ngoại dù không còn mới, nhưng một khi việc này được thông qua, ít nhất sẽ có một dòng vốn nước ngoài nhất định đổ vào TTCK Việt Nam và giúp thị trường tăng trưởng.

Càng ngày, nhà đầu tư nước ngoài càng có hứng thú với thị trường Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, MBKE đón rất nhiều chuyến thăm của họ. Năm nay, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư vào các thị trường ổn định và nhiều tiềm năng hơn và Việt Nam được quan tâm hàng đầu. Khi đến Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều tới những ngành tiềm năng có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam như tiêu dùng, dầu khí, bất động sản, trong khi ít quan tâm tới ngành ngân hàng vì những khó khăn mà ngành này đang đối mặt.

Tin bài liên quan