Lỗ lớn, lãi không đáng kể
Theo tìm hiểu của ĐTCK, trong 11 quỹ đầu tư nước ngoài với quy mô tổng tài sản 3,63 tỷ USD đang đầu tư vào các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam, tính đến 30/11/2015 có 4 quỹ có lãi trong năm 2015, bao gồm: Quỹ Vietnam Emerging Equity Fund thuộc quản lý của PXP (NAV/ccq tăng 6,27%); Quỹ Vietnam Holidng (NAV/ccq tăng 6,17%); Quỹ Vietnam Enterprise Investmentds Limited thuộc Dragon Capital (NAV/CCQ tăng 4,4%); Quỹ Vietnam Growth Fund (NAV/CCQ tăng 3,1%).
Số liệu của quỹ Vietnam Equity Holding, có giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) tăng 8,62% tuy nhiên VEH tính dựa theo đồng EUR, trong năm 2015 đồng EUR giảm giá mạnh so với USD nên nếu tính số điều chỉnh theo EUR thì NAV/ccq của VEH không có mức tăng trưởng cao như số liệu quỹ công bố.
Quỹ DWS Vietnam Fund tính số liệu đến 30/10/2015 có NAV/ccq tăng hơn 6%.
Trong khi đó, các quỹ đang bị lỗ so với đầu năm gồm có: Templeton Frontier Markets Fund (quỹ này chỉ đầu tư 21,48% danh mục vào khu vực châu Á, có NAV/CCQ giảm 22,2%); 2 quỹ ETF là Market Vector Vietnam ETF và FTSE Vietnam ETF có NAV/CCQ giảm lần lượt 16,35% và 15,57%; Quỹ PYN Elite lỗ 3,9%.
Tại thời điểm 30/11/2015, VN-Index tăng 5,05% so với đầu năm, tuy nhiên nếu tính theo USD thì chỉ số này giảm 0,18% vì trong năm nay, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 5%. Theo đó, có 6/11 quỹ chiến thắng được VN-Index.
“Sóng SCIC” (SCIC sẽ thoái vốn tại 10 DN lớn) trong quý IV/2015 đã kéo giá cổ phiếu VNM của Vinamilk tăng 4,3% trong tháng 11, tính chung cả năm, giá cổ phiếu này tăng hơn 57%, “cứu nguy” cho kết quả kinh doanh cuối năm của khá nhiều quỹ.
Diễn biến NAV/ccq của các quỹ tính theo USD dựa trên số liệu ngày 30/11/2015 (* số liệu 31/10)
Quỹ Vietnam Equity Holding (VEH)
Quỹ VEH do Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) quản lý. Quỹ này có tổng tài sản tính đến ngày 30/11 là 43,68 triệu EUR. Trong năm 2015, Quỹ VEH bị nhà đầu tư rút vốn 5,72 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 16,44 triệu EUR.
VEH đang nắm giữ 7,05 triệu cổ phiếu FPT (1,77% vốn điều lệ FPT), PVD, VNM, DIC và 7,7 triệu cổ phiếu JVC (6,29% vốn điều lệ JVC). Trong tháng 12, SAM đã mua toàn bộ 100% cổ phần của Công ty Heritage Beverage (Mỹ).
Mặc dù giá cổ phiếu JVC giảm mạnh trong năm 2015 nhưng NAV của VEH vẫn tăng, nhờ giá cổ phiếu FPT và VNM có mức tăng đáng kể.
Quỹ DWS Vietnam Fund
DWS Vietnam Fund có giá trị tài sản ròng gần 330 triệu USD. Quỹ này giải ngân 11,36% NAV vào VNM, 4,71% NAV vào FPT, 3,75% NAV vào HPG, 2,9% NAV vào HSG và 2,11% NAV vào VCB. Ngoài ra, Quỹ đầu tư 30,95% giá trị tài sản vào các công ty chưa niêm yết như Greenfeed, Anova…
Quỹ Vietnam Emerging Equity Fund
Quỹ VEEF do PXP Vietnam quản lý, có NAV tăng 6,27% so với đầu năm nhờ nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu VNM. Tại thời điểm 30/11/2015, giá trị tài sản ròng của VEEF đạt 125,9 triệu USD, quỹ này đầu tư vào 42 cổ phiếu niêm yết và 3 cổ phiếu chưa niêm yết, trong đó có VNM (23,8% NAV), HCM (9,9%), FPT (7,3%), HPG (7,1%), DRC (5%), STB (4,6%), CTD (4,4%), REE (4,2%), VSC (4,1%), PVD (4%).
Quỹ Vietnam Holding
Trong năm 2015, Quỹ Vietnam Holding đầu tư mạnh vào các cổ phiếu có vốn hóa trung bình trên TTCK Việt Nam. Quỹ này có tổng tài sản 126,2 triệu USD, đầu tư vào 23 mã cổ phiếu Việt Nam, chiếm 96,32% danh mục. So với đầu năm, NAV/CCQ của Vietnam Holding tăng 6,17%. Quỹ đang nắm giữ cổ phiếu VCS (chiếm 8,13% NAV), FPT (7,76%), TRA (7,47%), VNM (6,84%), BMP (6,51%), TLG (5,81%), PNJ (5,59%), DRC (5,09%), HPG (4,78%), HSG (4,59%)…
Vietnam Holding cho rằng, chỉ số P/E thị trường Việt Nam hiện đang ở mức 11,6 lần, vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác như Indonesia (25 lần), Ấn Độ (20,8 lần), Philippines (19,9 lần), Trung Quốc (18,1 lần), Thái Lan (17,7 lần).
Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và Vietnam Growth Fund (VGF)
Quỹ VEIL của Dragon Capital có tổng tài sản 509,08 triệu USD. So với đầu năm, NAV/CCQ của VEIL tăng 4,4% nhờ có 19,48% danh mục là cổ phiếu VNM. Ngoài ra, VIEL sở hữu cổ phiếu ACB, HPG, FPT, SSI, VCB, REE, KBC, KDH và MBB.
Quỹ VGF cũng thuộc Dragon Capital có tổng tài sản 275,94 triệu USD, đang nắm giữ cổ phiếu VNM (23% NAV), FPT, CII, VIC, HPG, MBB, REE, BID, VCB và DQC.
Quỹ Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF)
Quỹ VOF do VinaCapital quản lý. Cập nhật số liệu tại ngày 30/10/2015, giá trị tài sản của VOF là 689,2 triệu USD, so với đầu năm, NAV/CCQ của Quỹ giảm 3%. VOF tiếp tục chương trình mua vào chứng chỉ quỹ và đã chi 222,6 triệu USD để mua lại 108,2 triệu chứng chỉ quỹ, hiện số chứng chỉ quỹ đang lưu hành của VOF chỉ còn lại 216,4 triệu đơn vị.
Giống như nhiều quỹ đã đầu tư lâu tại Việt Nam, cổ phiếu VNM cũng đứng đầu về tỷ trọng trong danh mục của VOF với 13,9% NAV, tỷ trọng này đối với mã HPG là 7,8%, IDP là 5,2%, KDH là 4,8%, EIB là 4,7%, PVS là 3,5%... VOF hiện đang sở hữu Khách sạn Metropole và mua cổ phần Công ty Sữa IDP, mua cổ phần Công ty Đường Quảng Ngãi.
Quỹ PYN Elite
Quỹ PYN Elite có tổng tài sản 286 triệu EUR. Tại thời điểm 30/11, PYN Elite đã giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam từ 91% tổng tài sản xuống còn 89% do quỹ này đã chốt lời cổ phiếu DQC trong năm.
Theo PYN Elite, khoản đầu tư vào DQC ban đầu trị giá 1,7 triệu EUR, sau 2 năm tăng lên 6 triệu EUR và Quỹ đã bán ra để có tiền đầu tư tiếp vào thị trường Việt Nam. Hiện PYN đang đầu tư nhiều nhất vào MWG (10,9% NAV), KBC (6,6%), HHS (5,9%), PAN (4,3%), GDM (3,4%), KDH (2,6%), FIT (2,5%), VND (2,4%), HBC (2,4%)…
Diễn biến NAV/ccq của các quỹ tính theo EUR (năm 2015 EUR giảm giá mạnh so với USD)
Quỹ Market Vector ETF và FTSE
Không bất ngờ khi 2 quỹ nêu trên Market Vector ETF và FTSE đều có NAV/CCQ giảm trong năm 2015, mức giảm lần lượt 16,35% và 15,57%. Trong tháng 7/2015, Quỹ Market Vector bị rút vốn khá nhiều, đặc biệt trong những tuần cuối năm 2015, có tuần bị rút 1 triệu chứng chỉ quỹ, nhưng hiện vẫn hút ròng được 900.000 chứng chỉ quỹ so với đầu năm, tương đương khoảng 13,87 triệu USD. Trong khi đó, FTSE phát hành ròng được hơn 1,7 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương khoảng 36 triệu USD.
Trong năm nay, hai quỹ ETF đã gặp “sự cố” về dữ liệu khi thêm mới cổ phiếu BID trong kỳ cơ cấu danh mục quý 3, thậm chí Market Vector đã mua vào 5,8 triệu cổ phiếu BID mặc dù BID không được thêm vào danh mục. Quý 4/2015, Market Vector đưa ra quyết định bất ngờ khi nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 82% danh mục, hiện quỹ này có tổng tài sản 385,5 triệu USD, trong khi FTSE vẫn đầu tư 100% danh mục vào cổ phiếu Việt Nam.
Quỹ Templeton Frontier Markets Fund
Quỹ Templeton Frontier Markets Fund do tỷ phú Mark Mobius quản lý, quỹ này có chiến lược đầu tư dài hạn bằng cách đầu tư ít nhất 80% danh mục vào các công ty thuộc thị trường mới nổi. Quỹ này có tổng tài sản 474,9 triệu USD, đầu tư vào 49 cổ phiếu nhưng đầu tư vào thị trường châu Á chỉ ở mức 21,48%. Templeton đang nắm giữ 644.382 cổ phiếu BMP (chiếm 0,55% danh mục), 5,08 triệu cổ phiếu Hòa Phát (chiếm 1,18% danh mục), 4,796 triệu cổ phiếu PVD (1,11%), 1,3 triệu cổ phiếu VNM (1%).
Tuy nhiên, so với đầu năm NAV của quỹ này giảm tới 22% và so với cùng kỳ năm trước giảm 35,44%.