Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cần lớn hơn

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi tích lũy, đầu tư còn hạn chế, xuất khẩu vẫn tăng khá, nhưng tốc độ tăng chậm lại, nếu quy mô tiêu dùng cuối cùng, trong đó có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không lớn hơn nữa, thì lạm phát tuy được kiểm soát, song quy mô GDP vẫn nhỏ.
Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cần lớn hơn

Tỷ lệ tổng mức bán lẻ/GDP vẫn thấp

Những năm trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ tổng mức bán lẻ /GDP có xu hướng cao lên, đạt đỉnh vào năm 2019, nhưng năm 2020 giảm và năm 2021 do tác động của đại dịch đã giảm mạnh xuống ở mức rất thấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ đó đã tăng lên, nhưng vẫn còn thấp hơn năm 2015 và thấp xa so với đỉnh cao 64,2% của năm 2019, dù tổng mức bán lẻ tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước (giá thực tế tăng tới 11,7%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9% - cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ là 1,9%) và cao hơn tốc độ tăng GDP là 6,42%.

Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô tổng mức bán lẻ của cùng kỳ năm trước (là gốc so sánh của năm nay) ở mức thấp. Quy mô tổng mức bán lẻ tăng có một phần do lượng tiêu dùng tăng, một phần do giá cả tăng cao hơn cùng kỳ.

Việc tăng trưởng với tốc độ rất cao của dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 20,9%), của du lịch lữ hành (tăng 94,4%) cũng có một phần quan trọng do số gốc so sánh ở mức rất thấp và tỷ trọng của những ngành này trong tổng mức bán lẻ ở mức rất thấp (chỉ chiếm 9,9% và 0,3%). Còn ngành lớn nhất là bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng cao nhất (80%) tăng thấp hơn (11,3%), ngành dịch vụ khác chiếm tỷ trọng lớn thứ ba (9,8%) tăng rất thấp (5,6%).

Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ tuy tăng cao hơn (giá thực tế tăng 16%, loại trừ yếu tố giá tăng tới 11,9% - cùng kỳ giảm 1,8%), nhưng diễn biến các ngành cụ thể cũng tương tự (ngành bán lẻ tỷ trọng giảm còn 79,7% và tăng 13,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm 10,1%, tăng 37,5%; du lịch, lữ hành chiếm 0,4%, tăng 166,1%; dịch vụ khác chiếm 9,8%, tăng 13,9%).

Một nguyên nhân quan trọng là, trong tổng số hộ dân cư được khảo sát mức sống trong 7 tháng đầu năm 2022, có 18,4% hộ đánh giá có thu nhập giảm so với cùng kỳ. Trong các nguyên nhân làm giảm thu nhập, thì 78,4% là do đại dịch; 18,4% do mất việc, tạm nghỉ việc; 15,5% do chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh tăng.

Có nguyên nhân quan trọng là việc làm bị bào mòn sau hơn 2 năm đại dịch đã dẫn đến tâm lý tiết kiệm, thậm chí là thắt lưng buộc bụng, tăng tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm tự cấp, tự túc, giảm tỷ lệ tiêu dùng không qua mua bán trên thị trường.

Xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 651 triệu USD

Tổng mức bán lẻ tăng cao trở lại trong nửa đầu năm 2022 và tháng 7 chủ yếu do 2 ngành dịch vụ, ăn uống và du lịch lữ hành, do du lịch trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh.

Số khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh qua các tháng. Bình quân một tháng trong 6 tháng đầu năm chỉ có 60.200 lượt người, thì tháng 7 đạt 352.600 lượt người, cao gấp 47,2 lần cùng kỳ và tăng 49% so với tháng 6, đưa tổng số 7 tháng lên 954.600 người, cao gấp gần 10 lần cùng kỳ. Tăng trưởng cao đạt được ở tất cả 5 châu lục và ở các nước, vùng lãnh thổ có khách đến.

Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 602.000 lượt người, mang đến lượng ngoại tệ do xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 651 triệu USD, bình quân đạt 1081,4 USD/lượt khách. Với mức bình quân này, lượng ngoại tệ từ xuất khẩu dịch vụ du lịch 7 tháng sẽ đạt khoảng 1,032 tỷ USD. Nếu bình quân một tháng trong 5 tháng cuối năm đạt bằng mức của tháng 7, thì 5 tháng sẽ đạt gần 1,8 triệu lượt người và cả năm sẽ đạt trên 2,7 triệu lượt người, cao gấp trên 17 lần năm 2021, lượng ngoại tệ thu được sẽ đạt trên 2,9 tỷ USD, cao gấp gần 20 lần năm 2021.

Lượng ngoại tệ trên góp phần vào cải thiện cán cân thanh toán, tăng tổng mức bán lẻ, tăng dự trữ ngoại hối, góp phần ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, từ vài năm nay, dịch vụ du lịch lại nhập siêu lớn (năm 2020 là 803 triệu USD, năm 2021 là 3,481 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2022 là 1,829 tỷ USD), do số khách đến Việt Nam đi nước ngoài đông, mức chi phí cao.

Quy mô tổng mức bán lẻ trong thời gian qua còn thấp đã góp phần làm cho CPI bình quân 7 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước còn thấp (2,54%). Thời gian tới, tổng mức bán lẻ có xu hướng tăng cao lên, sẽ góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng sẽ làm cho CPI, cộng hưởng với các yếu tố khác (chi phí đẩy, tài khóa - tiền tệ, tâm lý…) tăng cao - tuy sẽ không vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn không thể coi thường, cần phải có sự hài hòa giữa 2 mục tiêu tăng trưởng và lạm phát.

Tin bài liên quan