Trong bối cảnh khó khăn chung, tình hình tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank ra sao?
Thời gian qua, chúng tôi nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới, đồng thời đáp ứng nhu cầu vay sản xuất - kinh doanh của các khách hàng hiện hữu. Ngân hàng chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng đi kèm với kiểm soát chất lượng tín dụng, hướng tới tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tính đến hết 31/8/2023, dư nợ toàn hệ thống Vietcombank tăng 1,04% so với đầu năm. Dư nợ cho vay có mục đích thuộc các lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn 35% tổng dư nợ. Trong đó, một số lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt như công nghệ hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 13,9%), xuất khẩu (tăng 5,8%).
Với chính sách kiểm soát chất lượng tín dụng chặt chẽ, chất lượng dư nợ của Vietcombank ở mức cao, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Vietcombank trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng 11%.
Hà Nội là một trong hai khu vực hoạt động trọng điểm của Ngân hàng, với 16 chi nhánh, quy mô huy động vốn trên thị trường 1 đạt trên 350.000 tỷ đồng, đóng góp 27% số dư huy động vốn, 22% dư nợ, 16% doanh số thanh toán quốc tế, thanh toán thương mại toàn hệ thống.
Các chi nhánh Vietcombank trên địa bàn Hà Nội thực hiện theo đúng định hướng chính sách chung của toàn hệ thống. Đến 31/8/2023, dư nợ của các chi nhánh trên địa bàn tăng 6,5% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp đạt khoảng 158.000 tỷ đồng, chiếm 25,4% dư nợ khách hàng doanh nghiệp toàn hệ thống và tăng 12,1% so với cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng tăng 11%.
Ông có thể chia sẻ các giải pháp thúc đẩy tín dụng cụ thể?
Bám sát nội dung định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ khách hàng.
Cụ thể, Vietcombank chú trọng triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, giảm lãi suất đối với khách hàng như giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản…
Đồng thời, Ngân hàng chủ động và liên tục giảm lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, duy trì lãi suất ở mặt bằng thấp so với thị trường, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ nhằm phục hồi sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, miễn, giảm phí dịch vụ liên quan đến gói sử dụng tài khoản, chuyển tiền; miễn giảm phí cho các nhóm đối tượng đặc thù, khách hàng theo các sản phẩm chuỗi…
Ngành ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ |
Trong đó, từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã triển khai 3 chính sách giảm lãi suất cho vay, với mức giảm tới 0,5%/năm, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế (áp dụng từ 1/1/2023 - 31/12/2023). Số lãi tiền vay hỗ trợ khách hàng ước tính cả năm 2023 là gần 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vietcombank chú trọng tổ chức các chương trình trao đổi, làm việc của các lãnh đạo cấp cao tại nước ngoài để thu hút khách hàng FDI, làm việc với các khách hàng FDI nhằm thu hút hoạt động đầu tư nước ngoài, tăng cường quy mô giao dịch của nhóm khách hàng này. Tổ chức hội thảo với các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, các khu/cụm công nghiệp để tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Tích cực triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với các bộ, ban, ngành trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Với việc triển khai các giải pháp trên, Vietcombank dự kiến quy mô tín dụng đến cuối năm 2023 sẽ tăng đáng kể, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng được doanh nghiệp phản ánh là có những khó khăn, vướng mắc. Vietcombank làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
Chúng tôi đã ban hành quy định nội bộ và truyền thông, hướng dẫn trong toàn hệ thống triển khai quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Điều này cũng diễn ra tương tự với Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Thông tư 10/2023/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2023/TT-NHNN), trong đó bổ sung quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử.
Đồng thời, Ngân hàng thường xuyên khảo sát, thu thập ý kiến của các chi nhánh, tổ chức hội nghị, làm việc với khách hàng để nắm bắt thông tin về các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cấp tín dụng, qua đó kịp thời triển khai các giải pháp giải quyết, chủ động cùng khách hàng tháo gỡ…
Hệ thống ngân hàng được nhận định đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế, nhưng hiện vẫn có những thủ tục phức tạp và mất thời gian. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Thực tế, các ngân hàng trong hệ thống luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, chủ động rà soát quy trình tín dụng với định hướng đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục cho vay, đẩy mạnh tiếp cận khách hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Là ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, Vietcombank tích cực triển khai hoạt động ngân hàng số với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đột phá, gia tăng các tiện ích đáp ứng nhu cầu khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng và người dân trong giao dịch ngân hàng nhằm tiết giảm thời gian, chi phí hoạt động cho cả hai bên.
Ngân hàng luôn chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ/thay thế các khâu tác nghiệp thủ công, đồng thời nghiên cứu áp dụng chữ ký số trong công tác thẩm định tín dụng, tiến tới số hóa toàn phần các công việc trong quy trình tín dụng, rút ngắn thời gian tác nghiệp, xóa bỏ các trở ngại cả về không gian và thời gian khi xem xét cấp tín dụng cho khách hàng.