Xét về quy mô, thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam ước đạt khoảng 10,4 tỷ USD. Số liệu của NHNN cho thấy, Home Credit (PPF) dẫn đầu thị trường với tốc độ tăng trưởng cao nhất 23,1% trong năm 2014. Công ty Tài chính FE Credit (thuộc ngân hàng VPBank) xếp thứ hai về dư nợ cho vay.
Tuy nhiên, theo dựa trên số liệu mà StoxPlus tổng hợp, dư nợ của FE Credit lớn hơn nhiều so với con số mà NHNN cung cấp và đây mới là công ty dẫn đầu thị trường.
Theo nhận định của StoxPlus, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, do sự chuyển hướng mạnh từ tín dụng doanh nghiệp sang tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp khó khăn trong giai đoạn 2012- 2014. Đến tháng 8/2014, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã tăng 18% về mặt quy mô so với năm trước đó.
Hiện trên thị trường có một số tên tuổi chiếm thị phần lớn như: Home Credit, FE Credit, HD Saison Finance, Prudiential Finance, ACS Trading, JACCS... Theo nghiên cứu, các công ty tài chính hiện nay đều tăng trưởng cho vay rất nhanh và chiếm tới 10% thị phần tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.
Cũng theo khảo sát của StoxPlus, hơn 70% khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng có thu nhập hàng tháng dao động từ 3-7 triệu đồng/tháng.
Đáng lưu ý là lãi suất cho vay tiêu dùng được áp dụng khá cao, từ 13%/năm lên tới 63-70%/năm. Kết quả khảo sát của StoxPlus cho thấy, Home Credit (PPF) có lãi suất cao nhất, trong khi ACS Trading và Mobivi có mức lãi suất thấp nhất.
Về thủ tục cho vay, HD Saison và FE Credit được đánh giá là có thủ tục đơn giản nhất. Ngược lại, Prudential Finance có các thủ tục phức tạp nhất, có thể sánh ngang các ngân hàng.
Nhận định về xu hướng thời gian tới, StoxPlus cho rằng, cho vay tiền mặt và ví điện tử vẫn sẽ trở thành xu hướng mới tại Việt Nam.
"Việc bùng nổ của thương mại điện tử đã tạo cơ sở cho các hoạt động tài chính tiêu dùng trực tuyến. Sự xuất hiện của Payoo hay MoMo có thể phục vụ như những kênh phân phối cho vay cũng như thanh toán cho các công ty tài chính", StoxPlus nhận định.
Công ty này cũng nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng đang có nhiều thách thức song cũng mang lại nhiều cơ hội: khu vực nông thôn đang bị bỏ qua ở Việt Nam nhưng có tiềm năng lớn cho các nhà bán lẻ, đặc biệt là cho các doanh nghiệp trong nước.