“Thnh lập quỹ mở sẽ trở thnh một xu hướng trong thời gian tới, khi những quy định php lý được ban hnh đầy đủ", nguyn tổng gim đốc một quỹ đầu tư nĩi với ĐTCK bn lề hội thảo Quỹ đầu tư chứ

“Thnh lập quỹ mở sẽ trở thnh một xu hướng trong thời gian tới, khi những quy định php lý được ban hnh đầy đủ", nguyn tổng gim đốc một quỹ đầu tư nĩi với ĐTCK bn lề hội thảo Quỹ đầu tư chứ

Quỹ mở sẽ trở thành xu hướng mới

(ĐTCK-online) “Thành lập quỹ mở sẽ trở thành một xu hướng trong thời gian tới, khi những quy định pháp lý được ban hành đầy đủ", nguyên tổng giám đốc một quỹ đầu tư nói với ĐTCK bên lề hội thảo Quỹ đầu tư chứng khoán mở (QĐTCKM) do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức ngày 15/6 tại Hà Nội. Nghỉ việc tại một công ty quản lý quỹ (CTQLQ), nhưng vị tổng giám đốc này cho biết, sẽ sớm trở lại làm việc khi quỹ mở được cấp phép hoạt động.

Trong khi trên thế giới có đến 90% trong số các quỹ đang hoạt động là quỹ mở, thì tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có một quỹ mở nào hoạt động.

Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK cho biết, tại Việt Nam đang có 22 quỹ đầu tư đang hoạt động, trong đó có 5 quỹ đại chúng và 17 quỹ thành viên. Các quỹ đóng có một số hạn chế như chỉ bảo vệ quyền lợi của đơn vị quản lý quỹ mà chưa thực sự bảo vệ quyền lợi NĐT, thị giá chứng chỉ quỹ (CCQ) thấp hơn nhiều giá trị tài sản ròng, khả năng các quỹ bị những NĐT lớn thâu tóm là rất cao…

Theo ông Hùng, nguyên nhân khiến đến thời điểm này tại Việt Nam chưa có quỹ mở nào hoạt động là do chưa có hướng dẫn pháp lý. Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thành lập và quản lý quỹ mở sẽ sớm được UBCK trình Bộ Tài chính trong thời gian tới.

QĐTCKM là một mô hình đầu tư chung, có thể phát hành hoặc mua lại CCQ theo một chu kỳ nhất định (hàng ngày hoặc theo quy định cụ thể ghi trong điều lệ quỹ) theo yêu cầu của NĐT. Hoạt động của quỹ mở sẽ mang lại cho NĐT lợi thế về tính thanh khoản của CCQ, tiếp cận danh mục đầu tư đa dạng, được quản lý bởi một công ty quản lý tài sản chuyên nghiệp. Đối với các quỹ đầu tư, việc huy động vốn sẽ được thực hiện nhanh chóng và CCQ được mua lại theo giá trị tài sản ròng, chứ không theo giá thị trường.

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thành lập và quản lý quỹ mở, CTQLQ được phép huy động vốn để thành lập và quản lý quỹ mở khi đáp ứng điều kiện có tối thiểu hai người hành nghề quản lý quỹ đã có kinh nghiệm quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư và thực hiện việc quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư có hiệu quả trong thời gian ít nhất hai năm. Người hành nghề quản lý quỹ không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động chứng khoán. Điều kiện thứ hai là CTQLQ phải có kinh nghiệm trong việc thành lập và quản lý quỹ thành viên hoặc quỹ đại chúng trong khoảng thời gian ít nhất hai năm tính tới thời điểm nộp hồ sơ thành lập quỹ mở. Như vậy, chỉ những công ty đã và đang hoạt động quản lý quỹ mới được thành lập quỹ mở.

Nói về điều kiện thành lập quỹ mở, giám đốc một CTQLQ cho biết, quy định như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thậm chí, trong quy định về hoạt động quỹ mở của Việt Nam còn có những vấn đề "thoáng" hơn như cho phép quỹ mở được đầu tư vào các sản phẩm phái sinh bên cạnh các sản phẩm truyền thống. Quỹ mở được lựa chọn một trong hai hình thức lưu ký một cấp và hai cấp.

Bà Thao Cuendet, luật sư Công ty Luật Gide Loyrette Novel cho rằng, tại những thị trường mới nổi như Việt Nam, tâm lý NĐT hay bị tác động nên thường phản ứng thái quá trước những thông tin, kể cả tin đồn. Vì thế, để hạn chế tình trạng NĐT ồ ạt đến yêu cầu CTQLQ mua lại chứng chỉ quỹ, các đơn vị phát hành cần có thông tin thật minh bạch, rõ ràng về định giá tài sản, về chiến lược đầu tư… Trước khi phát hành cần giải thích rõ cho NĐT biết rằng họ đang mua cái gì. Bà Thao lấy ví dụ ở Pháp là nơi TTCK rất phát triển. Vậy nhưng, khi một CTQLQ thực hiện chào bán CCQ của một quỹ mở, họ phải phát hành bản cáo bạch với lối diễn đạt thật đơn giản để các NĐT hiểu rõ.

Theo ông Samatha Campebell, một chuyên gia về quỹ mở tại Anh, một trong những vấn đề của quỹ mở đó là phải đánh giá thật khách quan giá trị tài sản ròng để đưa ra giá mua lại CCQ của các NĐT.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, UBCK cho biết, hiện nhiều tổ chức đầu tư quan tâm đến việc thành lập và hoạt động của QĐTCKM. NĐT nước ngoài quan tâm nhiều đến loại hình quỹ đầu tư này hơn NĐT trong nước.

Ông Nguyễn Thành Long, Vụ phó Vụ Quản lý quỹ, UBCK cho hay, dự thảo quy định hoạt động CTQLQ đang được xây dựng trên cơ sở tham khảo mô hình và kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… Tới đây, sau khi lấy ý kiến các thành viên thị trường xong, UBCK sẽ trình lên Bộ Tài chính. Theo ông Long, khi trình lên Bộ Tài chính, UBCK đã tính toán kỹ đến tính khả thi khi triển khai từ cả phía quản lý nhà nước, các thành viên thị trường và NĐT.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, thách thức lớn nhất đối với mô hình quỹ mở hiện nay đó là truyền thông cho NĐT trong nước hiểu được về quỹ mở. Bởi đây vẫn là loại hình quá mới mẻ tại Việt Nam. Hiện chỉ có NĐT nước ngoài hào hứng với quỹ mở, do họ tương đối hiểu biết về loại hình quỹ này. Một số DN nước ngoài đang quan tâm đến việc thành lập quỹ mở là Prudential, Manulife.