Bà Nguyễn Thái Thuận, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ VinaWealth
Thị trường đã có quỹ mở và không ít công ty tham gia phát triển sản phẩm này, nhưng không dễ đạt được kết quả. Vậy phân khúc khách hàng VinaWealth nhắm đến có khác với các quỹ mở trước đây khi đẩy mạnh liên kết với ngân hàng?
Thực ra, với quỹ mở, nên tập trung vào phân khúc khách hàng không chuyên. Chủ trương của các lãnh đạo cấp cao VinaCapital khi xây dựng VinaWealth cũng như quan điểm của bản thân tôi là, khi phát triển quỹ mở cần tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ, không chuyên và chúng tôi rất tin tưởng vào phân khúc khách hàng này. Hiện một vài công ty quản lý quỹ đã nhắm đến phân khúc khách hàng qua kênh ngân hàng, nhưng mỗi công ty có một chiến lược riêng, nên sẽ có những hướng đi khác nhau.
"Lịch sử phát triển quỹ mở của các nước cho thấy, để có thể tăng trưởng được sản phẩm quỹ mở một cách rộng rãi cần có thời gian khoảng 5-10 năm".
Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết với các ngân hàng khai thác phân khúc khách hàng qua kênh phân phối này theo tôi là chiến lược lâu dài để phát triển quỹ mở. Ngân hàng là những kênh phân phối sản phẩm tài chính chính thống và rộng rãi ở các nước đã phát triển, trong đó có sản phẩm đầu tư. Hiện ở các nước lân cận trong khu vực châu Á, thị phần quỹ mở được phân phối qua kênh ngân hàng chiếm 50 - 60%.
Kỳ vọng của VinaWealth về mức tăng trưởng thị phần trong thời gian tới ra sao?
Tôi rất kỳ vọng, nhưng đòi hỏi phải tốn thời gian trong vòng ít nhất là 3 - 5 năm tới, quỹ mở mới phát triển thành một sản phẩm thiết yếu và được nhiều người quan tâm. Lịch sử phát triển quỹ mở của các nước cho thấy, để có thể tăng trưởng được sản phẩm quỹ mở một cách rộng rãi cần có thời gian khoảng 5-10 năm.
Đối với Việt Nam, sản phẩm quỹ mở đã hình thành được gần 3 năm, khó có thể phát triển mạnh trong thời gian ngắn sắp tới, mà đòi hỏi có sự chín muồi mới có thể trở thành sản phẩm thiết yếu, phổ biến rộng rãi. Đặc biệt là khi sản phẩm này được phân phối qua kênh ngân hàng ngày càng mạnh hơn.
Tại sao đến nay VinaWealth mới tính đến việc liên kết với các ngân hàng, thưa bà?
Chiến lược này chúng tôi có ngay từ khi VinaWealth ra đời và đã xúc tiến hợp tác với một số ngân hàng trong 2 năm trở lại đây. Nhưng do hoạt động ngành ngân hàng có khó khăn nhất định và đang phải trải qua tái cơ cấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu nên nhiều ngân hàng chưa quan tâm đến việc này.
Mặt khác, trong năm qua, VinaWealth đã lập thêm quỹ mở thứ hai là Hưng Thịnh. Đến nay, Quỹ đầu tư Bảo Thịnh (quỹ mở đầu tư trái phiếu) đã hoạt động gần được 3 năm và Quỹ Hưng Thịnh (quỹ mở đầu tư cổ phiếu) đã hoạt động hơn 1 năm, nên chúng tôi có cơ sở nền tảng vững chắc và quy mô của 2 quỹ cũng lớn hơn so với trước. Vì vậy, chúng tôi dễ dàng hơn trong việc thương thảo, liên kết với các đối tác ngân hàng để phát triển sản phẩm quỹ mở.
Sau khi hợp tác với MaritimeBank, VinaWealth sẽ hợp tác với nhà băng nào để phát triển quỹ mở?
Mục tiêu của chúng tôi là sẽ liên kết thêm nhiều ngân hàng để phát triển quỹ mở, thu hút được nhiều người tham gia. Ngoài MaritimeBank, chúng tôi đã ký hợp tác với một ngân hàng khác và trong thời gian từ nay đến hết tháng 6/2016, dự kiến sẽ có thêm hai đối tác ngân hàng.
"Một số ngân hàng còn ngại việc cạnh tranh và lo việc chia sẻ khách hàng, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy, các khách hàng quan tâm đến sản phẩm đầu tư tài chính không có nghĩa là họ không gửi tiết kiệm".
Chúng tôi mong muốn đến hết năm 2016 nâng lên khoảng 5 ngân hàng tham gia liên kết với VinaWealth trong việc đưa sản phẩm quỹ mở đến với khách hàng cá nhân. Tôi cho rằng, trong 5 năm tới, doanh số qua kênh ngân hàng sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh số của các quỹ mở. Liên kết với các ngân hàng sẽ tận dụng được kênh phân phối, đem sản phẩm tới cho khách hàng.
Nhiều ngân hàng lo ngại đến việc cạnh tranh và khó tránh nguồn tiết kiệm bị chia sẻ khi khách hàng đến gửi tiết kiệm được nhân viên giới thiệu sản phẩm đầu tư quỹ mở. Theo bà, điều đó có làm hạn chế trong việc ngân hàng tham gia liên kết với Công ty để phát triển sản phẩm quỹ mở?
Tinh thần và quan điểm của các ngân hàng đã thay đổi khá nhiều trong việc quan tâm phát triển dịch vụ quản lý tài chính cá nhân cho khách hàng. Thực tế cho thấy, hiện hầu hết các ngân hàng đều đã có sản phẩm tài chính cá nhân, nhưng còn hạn chế nhất định, trong khi nhu cầu khách hàng luôn có và các ngân hàng lại có lượng khách hàng tiềm năng.
Tuy vậy, để làm được điều đó còn phụ thuộc vào chủ trương của ban lãnh đạo từng nhà băng và chúng tôi mong muốn hợp tác với những ngân hàng có chiến lược rõ ràng trong việc phát triển sản phẩm có thu phí, dịch vụ quản lý tài chính cho cá nhân bên cạnh tiền gửi, tín dụng…
Có thể một số ngân hàng còn ngại việc cạnh tranh và lo việc chia sẻ khách hàng, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy, các khách hàng quan tâm đến sản phẩm đầu tư tài chính không có nghĩa là họ không gửi tiết kiệm.
Những cá nhân quan tâm đến sản phẩm quỹ mở là những người có thu nhập vừa phải đến khá giả, hoặc dân văn phòng có kiến thức về kinh tế và hiểu đầu tư, nhưng không đủ vốn để đầu tư bất động sản với giá trị từ 1 tỷ đến vài tỷ đồng, nên họ sẽ tìm đến quỹ mở để đầu tư, số tiền chỉ từ vài triệu đồng.
Theo bà, lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm là điều kiện tốt để phát triển quỹ mở?
Điều đó hoàn toàn đúng với thực tế và tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Lịch sử ở những nước khác trên thế giới cũng cho thấy điều đó. Thông thường, khi lãi suất tiết kiệm giảm, ngân hàng không còn cạnh tranh về lãi suất thì những sản phẩm đầu tư khác sẽ phát triển, trong đó có quỹ mở và sự quan tâm của khách hàng tăng lên.