Quỹ mở không “đóng” chiến lược đầu tư

Quỹ mở không “đóng” chiến lược đầu tư

(ĐTCK) Thay vì tự “trói” mình với chiến lược đầu tư cứng nhắc, các quỹ mở đang chú trọng tăng sự linh hoạt về phạm vi và chiến lược đầu tư.

Chuộng mô hình “2 trong 1”

Trong tổng số 6 quỹ mở hiện tại, 3 quỹ thành lập đầu tiên chuyên đầu tư vào trái phiếu. Tuy nhiên, một xu hướng khác đã xuất hiện khi 3 quỹ mở ra đời mới đây là Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VF1), Quỹ Đầu tư cân bằng chiến lược của VCBF (VCBF-TBF) và Quỹ Đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) đều có một điểm chung là được tổ chức theo mô hình “2 trong 1”. Nghĩa là ngoài đầu tư vào trái phiếu, các quỹ này còn dành một tỷ trọng tài sản lớn đầu tư vào cổ phiếu.

Nhìn nhận về xu hướng trên, trao đổi với ĐTCK mới đây, lãnh đạo Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong số các quỹ mở vừa hình thành, đã xuất hiện các quỹ đầu tư cổ phiếu với chiến lược đầu tư khác nhau, thay vì chỉ chuyên đầu tư vào trái phiếu như các quỹ mở ra đời đầu tiên. Các công ty quản lý quỹ (QLQ) đang thay đổi cách nhìn nhận về diễn biến của TTCK, nên chiến lược đầu tư của các quỹ mở đang ngày một linh hoạt, bởi không chỉ phạm vi và mục tiêu đầu tư rộng hơn, mà chiến thuật đầu tư cũng đa dạng hơn.

Quỹ mở không “đóng” chiến lược đầu tư ảnh 1

Do mức độ quan tâm của NĐT chưa nhiều, các CTCK ít mặn mà với việc phân phối CCQ

“Trong những lần tiếp xúc với khách hàng, chúng tôi nhận thấy rất nhiều NĐT ưa thích mô hình quỹ mở “2 trong 1”, vì vừa đem lại cơ hội kiếm lời cao khi thị trường thuận lợi, nhưng vẫn đảm bảo an toàn tài sản ở mức hợp lý…”, Giám đốc kinh doanh một công ty QLQ chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, một lý do khác khiến NĐT ưa thích mô hình quỹ cân bằng đầu tư cả vào trái phiếu và cổ phiếu là họ có thể theo dõi hàng ngày, thậm chí hàng giờ biến động giá trị danh mục tài sản của quỹ, để chủ động hoạch định chiến lược đầu tư phù hợp với đặc thù diễn biến rất nhanh của TTCK. Đây là điều quỹ trái phiếu khó đáp ứng, do tính thanh khoản hạn chế.

Giới làm quỹ mở cũng chia sẻ, thực tế, hoạt động đầu tư trái phiếu tại Việt Nam, lâu nay là sân chơi quen thuộc của các NĐT tổ chức, nên còn xa lạ với NĐT cá nhân, nhỏ lẻ. Trong khi, hoạt động đầu tư cổ phiếu đã được đại chúng hóa, khi NĐT nhỏ lẻ hiện chiếm tỷ lệ áp đảo trên TTCK. Do đó, với quỹ đầu tư hỗn hợp vào trái phiếu và cổ phiếu, các công ty QLQ dễ tiếp cận NĐT hơn, bởi sản phẩm mà các công ty QLQ đem ra giới thiệu, trong đó có danh mục cổ phiếu, với nhiều trường hợp, hiện cũng có trong danh mục đầu tư, hay chí ít cũng đang thu hút sự quan tâm của NĐT nhỏ lẻ.

 

“Đau đầu” bán sản phẩm

Thực tế, số NĐT cá nhân hiểu biết, chứ chưa nói đến thói quen đầu tư qua quỹ mở hiện chưa phổ biến. Một khi NĐT chưa nhận diện được đầu tư qua quỹ mở có gì hấp dẫn hơn so với hình thức họ đầu tư trực tiếp, thì việc thu hút họ mua chứng chỉ quỹ (CCQ) quả là bài toán nan giải với các công ty QLQ.

“Các kênh phân phối CCQ hiện tại đang có nhiều điểm không ổn, vì chưa thu hút được NĐT cá nhân, nhỏ lẻ quan tâm, chứ chưa nói đến việc họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua CCQ. Trong khi đây mới là khách hàng mục tiêu dài hạn của các quỹ đại chúng, chứ không chỉ quẩn quanh với mấy khách hàng lớn quen thuộc”, lãnh đạo một công ty QLQ thẳng thắn chia sẻ, đồng thời lý giải, việc phân phối CCQ hiện tại chủ yếu trông chờ qua kênh CTCK. Do mức độ quan tâm của NĐT chưa nhiều, nên mức phí thu được không đáng kể, khiến các CTCK chẳng mấy mặn mà tham gia phân phối CCQ. Hệ quả là trong các đợt bán CCQ vừa qua, các công ty QLQ chưa thu được kết quả mong muốn.

Để hóa giải bài toán “đau đầu” trên, các công ty QLQ đang nỗ lực khai mở các hình thức phân phối mới, với kỳ vọng mở rộng diện tiếp cận với số đông NĐT. Cách làm của MB Capital hay VCBF là một ví dụ. Bên cạnh kênh phân phối truyền thống qua CTCK, hai công ty này chọn kênh phân phối qua ngân hàng thương mại, khi tận dụng lợi thế mạng lưới rộng lớn của ngân hàng mẹ để hy vọng sẽ thành công trong các đợt bán CCQ.

Từ trường hợp một số công ty chọn ngân hàng làm kênh phân phối CCQ, các công ty QLQ khác đang dõi theo hiệu quả của hướng đi mới này, để học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ thụ động ngồi chờ, các công ty QLQ không có ngân hàng mẹ đứng sau hậu thuẫn đang tìm kênh phân phối qua ngân hàng thương mại nước ngoài. Thị trường phân phối CCQ, vì thế, được dự báo sẽ có diễn biến sôi động trong tương lai không xa.

>> Chứng chỉ quỹ mở VCBF được chào bán ra công chúng

>> Được mùa quỹ mở  

>> Quỹ mở nỗ lực tiếp cận NĐT mới