Sáng 14/8, đại diện cho gần 30 quỹ đầu tư lớn nhỏ đã tham dự buổi gặp gỡ thường kỳ của CLB Quản lý quỹ. Theo ghi nhận của ĐTCK, bài thuyết trình của đại diện Bloomberg về quỹ mở nhận được sự quan tâm khá lớn từ giới quản lý quỹ nội địa, dù khi đi sâu vào thảo luận về những yếu tố kỹ thuật, mới thấy có rất nhiều thách thức trong việc áp dụng vào TTCK Việt Nam. Dù vậy, từ Vietfund (VFM) - đơn vị vừa nộp hồ sơ đầu tiên lên UBCK, đến cơ quan quản lý đều tỏ ra khá quyết tâm triển khai mô hình mới trong năm 2012.
Yếu tố kỹ thuật chưa thông
Các kinh nghiệm về phát triển mô hình quỹ mở của các đại diện Bloomberg dành được sự quan tâm rất lớn từ 60 chuyên gia trong lĩnh quản lý quỹ tham dự. Các diễn giả cho biết, từ thực tiễn, có 4 thách thức lớn nhất đối với việc phát triển mô hình quỹ mở: tính bất ổn của thị trường (volatility); thanh khoản (liquidity); hệ thống hạ tầng (system) và mức độ hiểu biết của giới đầu tư (education). Theo chủ đề này, từng chi tiết kỹ thuật của mô hình quỹ mở đang vận hành ở các TTCK tiên tiến được đem ra mổ xẻ và thảo luận chi tiết.
Còn có nhiều vấn đề nhỏ nhặt lấp vào tính mở của các quỹ mở
Chính lúc này, mức độ phức tạp của một sản phẩm tài chính bậc cao đã gây bỡ ngỡ cho cả giới quản lý quỹ nội địa từ những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt. Chẳng hạn, trước câu hỏi của giới quản lý quỹ trong nước về việc quỹ mở có được chia cổ tức hay không, ban điều hành có được nhận tiền thưởng khi quỹ có kết quả vượt trội hay không, đại diện Bloomberg cho biết, thực tiễn tại các thị trường phát triển, việc chia cổ tức thường không được thực hiện do chi phí thực hiện điều này có thể vượt cả khoản tiền mặt dự kiến trả cổ tức. Chuyên gia của Bloomberg cho biết, khác với quỹ đóng, ngay cả trong trường hợp quỹ mở có thành tích vượt trội, ban điều hành cũng không nhận được tiền thưởng mà phần tưởng thưởng là số lượng NĐT tham gia mua chứng chỉ quỹ tăng lên, nếu quỹ có thành tích hoạt động ấn tượng.
Chuyên gia của Bloomberg nhiều lần nhấn mạnh, thanh khoản của thị trường là một trong các yếu tố sống còn của quỹ mở. Để duy trì sự cân bằng này, nhóm các sản phẩm phái sinh được xem như là một công cụ bảo hộ. Một thách thức cho mô hình quỹ mở là TTCK Việt
Bên hành lang buổi tọa đàm, ông Phạm Khánh Lynh, Phó Tổng giám đốc VFM thừa nhận, so với thông lệ ở các TTCK tiên tiến, mô hình quỹ mở ở Việt Nam gặp rất nhiều thách thức từ những điều đã được đề cập, như cơ sở hạ tầng, thanh khoản của thị trường, trình độ NĐT. Ngoài ra, khi bắt tay vào chuẩn bị cho sản phẩm mới, VFM mới nhận ra nhiều thách thức riêng. Chẳng hạn, NĐT đóng tiền mua chứng chỉ quỹ, nhưng đến tận cuối ngày, khi quỹ mở chốt giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ, NĐT mới được biết khối lượng đã mua được. Sau nữa, “room” 49% sở hữu nước ngoài chưa biết giải quyết ra sao nếu NĐT trong nước bán chứng chỉ quỹ khiến giới hạn này bị vượt qua. Giao dịch T+3 khiến cả tuần lễ sau khi bán chứng chỉ quỹ, NĐT mới nhận được tiền và ngược lại. Những yếu tố này khiến sản phẩm mới mất đi ít nhiều tích chất “mở” thực sự.
Quyết tâm
Dù thừa nhận gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật, nhưng ông Lynh cho biết, hồ sơ của VFM sau khi bổ sung đã nộp lên UBCK từ đầu tháng 8. Dự kiến, nếu hồ sơ được chấp thuận, ngay trong tháng 10, VFM sẽ tiến hành các thủ tục đầu tiên để thành lập quỹ mở. Sau đó, dự định tiếp theo của VFM là thành lập một quỹ mở đầu tư vào trái phiếu. Song song, VFM xem xét tới khả năng chuyển đổi mô hình của hai quỹ đóng VF4 và VFA thành quỹ mở khi ĐHCĐ thường niên đầu năm nay của hai quỹ đều đã thông qua chủ trương chuyển đổi.
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK khẳng định, quỹ mở là hiện thực và cũng là tương lai của ngành quản lý quỹ. Thời gian qua, UBCK và Bộ Tài chính đã có những cố gắng trong việc cho ra đời các văn bản pháp lý nhằm tạo hành lanh chính thức cho sự ra đời và hoạt động của quỹ mở như Thông tư 183/2011/TT-BTC. Ông Hùng khẳng định, đây là hành lang pháp lý để hình thành các loại hình sản phẩm quỹ hưu trí, quỹ ETF. Vừa qua, UBCK đã trình lên Bộ Tài chính một số văn bản liên quan đến các sản phẩm và các loại hình quỹ. Hiện tại, văn bản này đang trong giai đoạn sửa đổi, cố gắng ban hành trong thời gian sớm nhất.
Ông Hùng nhận định, thời gian tới đây, sau khi hành lang pháp lý cho quỹ mở đã hoàn thiện, vấn đề tiếp theo là triển khai sản phẩm mới. Sẽ có nhiều thách thức đòi hỏi sự ủng hộ, nỗ lực triển khai sản phẩm mới từ nhiều phía.