Tỷ suất sinh lời tốt
Tính từ đầu năm đến 13/9/2023, các quỹ mở ghi nhận tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với bình quân thị trường. Trong đó, Quỹ mở VinaCapital-VESAF dẫn đầu với lợi nhuận tăng 37% , tiếp theo là SSISCA với mức tăng gần 36%, VCBF-MGF tăng 35%, DCDS tăng 34,8%, DCBC tăng 28,7%..., trong khi chỉ số VN-Index tăng 20%.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, người điều hành VinaCapital-VESAF cho biết, trong các tháng đầu năm 2023, danh mục của Quỹ có sự thay đổi đáng kể về tỷ trọng các nhóm cổ phiếu dựa trên đánh giá triển vọng dưới sự thay đổi của chính sách vĩ mô và động lực tăng trưởng của kinh tế.
“Chúng tôi đã giải ngân mạnh hơn vào nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đẩy mạnh đầu tư công (từ 11,7% giá trị tài sản ròng của Quỹ vào cuối năm 2022 lên 13,6% vào cuối tháng 8/2023), nhóm cổ phiếu tài chính (từ 13,2% giá trị tài sản ròng của Quỹ vào cuối năm 2022 lên 17,2% vào cuối tháng 8/2023) và gần đây là nhóm cổ phiếu xuất khẩu có định giá hấp dẫn, với kỳ vọng tình hình xuất khẩu của Việt Nam sẽ dần cải thiện rõ nét hơn trong các tháng đầu năm 2024”, bà Phương chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc VCBF cho hay, Công ty theo đuổi triết lý đầu tư dựa trên 4 trụ cột chính.
Thứ nhất là việc lựa chọn cổ phiếu dựa trên kết quả phân tích và định giá chuyên sâu từng công ty. Với các công ty được lựa chọn kỹ càng, danh mục của Quỹ có xu hướng giảm ít hơn khi thị trường giảm và tăng nhiều hơn khi thị trường tăng.
Thứ hai, Quỹ thực hiện đầu tư và nắm giữ dài hạn. Công ty không thực hiện mua - bán liên tục cổ phiếu vì cho rằng, việc liên tục dự đoán đúng xu hướng của thị trường trong ngắn hạn là điều không thể, trong khi Quỹ có khả năng dự đoán sự tăng trưởng dài hạn của các công ty. Với chiến lược này, quỹ cổ phiếu lâu đời nhất của VCBF là VCBF-BCF (thành lập tháng 8/2014) đã nắm giữ các cổ phiếu có mức tăng giá 5 - 7 lần như FPT, ACB, PNJ, MBB.
Thứ ba, đó là chiến lược đi trước thị trường và đi ngược đám đông. Chiến lược này giúp Quỹ mua được các cổ phiếu trước khi thị trường nhận ra giá trị của cổ phiếu đó và tận dụng những biến động của thị trường để mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ, cũng như tận dụng sự hào hứng quá đà của nhà đầu tư trong một số trường hợp để bán những cổ phiếu đã bị định giá quá cao.
Thứ tư là việc duy trì một danh mục đa dạng, giúp giảm thiểu rủi ro khi thị trường giảm và hưởng lợi khi thị trường hồi phục.
Theo bà Nga, Quỹ VCBF-MGF được thành lập khi định giá thị trường đang ở mức rất cao, nhưng tính từ khi thành lập đến 13/9/2023, Quỹ ghi nhận mức tăng hơn 3 lần, trong khi VN30 tăng 1,9 lần.
“Chúng tôi kiên trì chờ đợi các cổ phiếu ưa thích điều chỉnh về giá mua mục tiêu và nắm giữ qua giai đoạn khó khăn của quý IV/2022. Năm 2023, khi thị trường hồi phục, Quỹ đạt kết quả lợi nhuận 35% trong hơn 8 tháng đầu năm”, bà Nga nói.
Với DCBC, đây là quỹ đại chúng thứ hai được quản lý bởi DCVFM. Quỹ phân bổ nguồn vốn đầu tư khoảng 20% vào chứng khoán nợ và tiền, 80% vào chứng khoán vốn, chủ yếu là cổ phiếu của các doanh nghiệp vốn hóa lớn và tiềm năng tăng trưởng tốt. Tỷ lệ phân bổ giữa hai loại chứng khoán này có thể dao động +/-10%, tùy vào biến động của thị trường.
Các quỹ mở có kết quả vượt trội so với thị trường chung nên dần thu hút nhà đầu tư hơn so với trước. Tuy nhiên, giá chứng chỉ quỹ biến động theo quy luật cung cầu và triển vọng thị trường. Vì thế, nhà đầu tư được khuyến nghị cần kiên nhẫn khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ, đặc biệt là duy trì đầu tư khi thị trường xấu. Trong trường hợp không chắc chắn, nhà đầu tư nên phân bổ các khoản đầu tư thành nhiều lần và khi thị trường giảm thì cần giữ kỷ luật, tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư đã đặt ra.
Ưu tiên quản trị rủi ro
Việc quản trị rủi ro xuyên suốt trong các năm qua đóng góp không nhỏ vào hiệu quả của các quỹ mở, do hoàn cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới có những biến động khó dự báo.
Các quỹ mở cổ phiếu dần thể hiện sự nhạy bén trong việc nắm bắt thời cơ tăng trưởng và khả năng quản trị rủi ro danh mục.
Bà Nguyễn Hoài Phương đánh giá, thời điểm hiện tại không phải lúc mà nhà đầu tư mua vào cổ phiếu là có cơ hội đạt được lợi nhuận giống như giai đoạn cuối năm 2022, khi thị trường chứng khoán Việt Nam ở vùng định giá thấp nhất trong vòng 10 năm. Do đó, việc lựa chọn cổ phiếu theo các tiêu chí khắt khe và quản trị rủi ro cho danh mục đầu tư trở nên đặc biệt quan trọng. Hiện nay, việc nhìn vào định giá và khả năng tăng trưởng của từng doanh nghiệp, từng cổ phiếu riêng lẻ quan trọng hơn nhiều so với nhìn vào định giá của cả thị trường chung.
“Các nhìn nhận này giúp chúng tôi vẫn có thể tìm ra được những cổ phiếu đang có định giá hợp lý và có khả năng tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, năng lực và độ tin cậy của ban lãnh đạo các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của chúng tôi”, bà Phương nói.
Thực tế, các quỹ mở đang cho thấy sự linh hoạt trong các quyết định đầu tư. Những giai đoạn hay bối cảnh khác nhau của nền kinh tế sẽ có những chủ đề đầu tư phù hợp. Hiện tại, khi thị trường đã trải qua một nhịp tăng khá ấn tượng, kéo dài gần 5 tháng tính từ cuối tháng 4/2023, khiến các cổ phiếu nói chung không còn rẻ, việc lựa chọn đúng cổ phiếu, cơ cấu lại danh mục và thay đổi tỷ trọng các nhóm ngành phù hợp sẽ quyết định hiệu quả đầu tư của quỹ.
Về việc lựa chọn cổ phiếu, bà Nga cho biết, bà quan tâm đến các ngành có quy mô thị trường lớn, còn nhiều dư địa để tăng trưởng, hay các ngành còn phân mảnh, tạo cơ hội cho các nhà quản lý doanh nghiệp thực hiện hợp nhất ngành.
Các ngành này thường được hưởng lợi từ các xu hướng lớn của nền kinh tế như xu hướng đa dạng hoá chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc +1) mà Việt Nam là điểm đến hàng đầu, xu hướng gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, xu hướng tăng chi tiêu cho tiêu dùng không thiết yếu khi thu nhập tăng, xu hướng đô thị hoá, xu hướng xanh hoá, số hoá nền kinh tế… Đặc biệt, triển vọng tăng trưởng dài hạn của công ty chưa được phản ánh hết vào giá cổ phiếu.