Quỹ mở, bao giờ bùng nổ ở Việt Nam?

Quỹ mở, bao giờ bùng nổ ở Việt Nam?

(ĐTCK) Đặt câu hỏi này là quá sớm khi 2 quỹ mở đầu tiên made in Việt Nam (của Vinawealth và quỹ mở của MB Capital) vẫn chưa đầy 1 tuổi.

Tuy nhiên, nhìn sang TTCK Nhật với trên 4.000 quỹ mở, Trung Quốc trên 1.000 quỹ mở, Ấn Độ gần 1.000 quỹ mở, Đài Loan trên 500 quỹ mở…, Việt Nam cũng có quyền nghĩ đến ngày sẽ có hàng trăm, hàng nghìn quỹ mở ra đời. Nhưng để đến ngày đó là một chặng đường dài, mà điểm đầu tiên phải vượt qua là nhận thức của các chủ thể tham gia TTCK.

Quỹ mở là gì?

ĐTCK đã làm cuộc khảo sát sơ bộ với nhiều NĐT đang đọc Báo về hai câu hỏi: quỹ mở là gì và anh/chị có sẵn sàng bỏ tiền vào quỹ mở hay không?

Kết quả không như mong đợi: 70% người được hỏi trả lời họ có đọc, có nghe về quỹ mở, nhưng chưa thấy gì ấn tượng. 30% còn lại trả lời họ hoàn toàn không để tâm đến quỹ mở, vì đó không phải là loại thông tin họ cần đọc mỗi ngày.

ĐTCK đã không tìm được NĐT nào trả lời rằng, họ đã bỏ tiền mua quỹ mở, trong số những người được khảo sát đợt này.

Một thống kê khác cũng cho thấy, số người biết về quỹ mở và đầu tư quỹ mở còn quá hạn chế. 7 quỹ mở đã huy động vốn thành công và được cấp phép lập quỹ đến cuối năm 2013 có tổng cộng lượng NĐT hiện nay chỉ khoảng 1.000 người, một con số quá nhỏ so với 1,2 triệu NĐT mở tài khoản trên TTCK và càng nhỏ bé hơn nhiều nếu so với lượng NĐT tiềm năng tại Việt Nam.  

Tại sao hình thái quỹ mở rất phổ biến ở các TTCK quốc tế mà lại quá ít tại Việt Nam? Bên cạnh lý do nền tảng pháp lý cho quỹ mở tại Việt Nam mới chính thức ra đời từ cuối năm 2011 (Thông tư 183/2011/TT-BTC), thì câu trả lời có lẽ nằm ở phía NĐT: rất ít người biết, càng ít người hơn hiểu về quỹ mở, nên hệ quả đương nhiên là NĐT chưa thể đưa “đồng tiền liền khúc ruột” của mình cho các nhà tạo lập quỹ, để họ có cơ hội phát triển ngành này.

Nếu TTCK đã có mặt tại Việt Nam 13 năm thì quỹ mở mới có mặt 1 năm để chính thức xác lập sự khởi đầu của ngành công nghiệp quản lý quỹ. Nhưng cần bao nhiêu năm để ngành quản lý quỹ đi qua chặng đường đầu và bước vào đường đua cạnh tranh thu hút vốn với các TTCK khác?

Quỹ mở, bao giờ bùng nổ ở Việt Nam? ảnh 1

MBBF là quỹ mở có tăng trưởng NAV cao nhất, tính đến cuối năm 2013

Đặt câu hỏi này với lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ĐTCK nhận được câu trả lời là 2 phương án. Nếu Việt Nam có chính sách tốt thúc đẩy ngành công nghiệp quản lý quỹ (ưu đãi thuế cho NĐT, cho các nhà lập quỹ), có ngân sách và cách thức quảng bá mạnh mẽ kênh đầu tư này, thì chắc chắn không bao lâu nữa, quỹ mở sẽ phổ cập và ngành công nghiệp quỹ sẽ phát triển rõ nét.

Bằng không, tức là cứ để các nhà tạo lập quỹ và NĐT tự nỗ lực là chính, thì thời gian để qua được “chặng đường đầu” sẽ kéo dài, chưa thể định trước được dài đến bao lâu.

Về phía nhà tạo lập quỹ, lãnh đạo những công ty quản lý quỹ có quỹ mở đầu tiên, như MB Capital, Vinawealth, VFM, VCBF… đều mong đợi, quỹ mở, ở quy mô 50 tỷ đồng ngày khởi đầu, sẽ sớm phát triển, bởi ở quy mô vốn vài chục tỷ đồng, quá khó để đa dạng hóa đầu tư.

Một lý do khác khiến họ rất sốt ruột với quy mô vài chục tỷ đồng của quỹ mở là hoạt động quản lý quỹ mở đang… lỗ, xét trên quy mô nhỏ bé hiện nay. Muốn không lỗ, không có cách nào khác là phải tăng được quy mô quỹ lên gấp hàng chục, hàng trăm lần, bởi quy định hiện hành (Thông tư 183/2012/TT-BTC) chỉ cho phép nhà quản lý quỹ được thu phí quản lý, chứ không được thu thêm phí khác, như phí thưởng của NĐT.

Trong chiến lược phát triển TTCK, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải chuyên nghiệp hóa NĐT theo hướng phát triển các NĐT chuyên nghiệp để tăng tính chuyên nghiệp cho TTCK.

Trong mục tiêu tái cấu trúc TTCK, mục tiêu tái cấu trúc NĐT theo hướng tăng NĐT tổ chức cũng đã được Bộ Tài chính, UBCK đặt lên hàng đầu. Cơ quan quản lý muốn mở rộng NĐT chuyên nghiệp, bản thân các công ty quản lỹ quỹ còn mong mỏi điều này hơn hết, vì đó là không gian sống của họ, là “nồi cơm” của họ.

Nhìn sự phát triển quỹ mở của các TTCK tiên tiến có thể thấy, nếu NĐT hiểu hơn về quỹ mở, thì cơ hội cho ngành quỹ Việt Nam chắc chắn sẽ sáng sủa hơn nhiều, so với quãng đường 10 năm đầu đời của ngành quỹ Việt Nam.

 

Làm thế nào để NĐT hiểu về quỹ mở?

Tạo ra những chính sách ưu đãi, khuyến khích NĐT quan tâm đến quỹ mở là điều mà nhiều chuyên gia đã khuyến nghị gần 2 năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, mong chờ chính sách ưu đãi, hay tạo ra một động lực mới về đầu tư từ Nhà nước là không thực tế.

Vì thế, để NĐT hiểu về quỹ mở, tiến tới bỏ vốn vào quỹ mở, không có cách nào khác, phải từ nỗ lực của chính các công ty trong ngành quản lý quỹ. Cần làm mạnh hơn công tác tuyên truyền, quảng bá, đào tạo NĐT.

Năm 2013, năm đầu tiên Việt Nam có quỹ mở, dường như không có buổi đào tạo đại chúng nào được tổ chức trên quy mô toàn quốc về quỹ mở.

Một số công ty quản lý quỹ như Eastpring Investments có tổ chức chuỗi hội thảo tại các CTCK đối tác, nhưng mức độ tiếp cận cũng chỉ khoảng vài trăm người.

Các công ty quản lý quỹ khác chọn cách giới thiệu, chào bán cho những NĐT tiềm năng cụ thể, hoặc phân phối qua hệ thống công ty mẹ (như quỹ mở của MB Capital có hệ thống phân phối qua MB, quỹ mở của VCBF có hệ thống phân phối qua Vietinbank…), tuy vậy, người có tiền sẽ chỉ mua khi họ hiểu sản phẩm.

Rõ ràng, trong môi trường mà NĐT chưa được trang bị kiến thức cho một công cụ đầu tư mới, thì dù quỹ mở có ưu việt đến đâu, có phổ cập đến đâu tại TTCK nước ngoài, vẫn rất khó nhận được sự nhiệt tâm đầu tư của NĐT trong nước.

Trong khi đó, quỹ mở khác tất cả các sản phẩm khác, quy định pháp lý dành 1 chương riêng quy định về thông tin, quảng cáo, giới thiệu quỹ mở. Theo UBCK, quy định này nhằm tạo hành lang quản lý hoạt động quảng bá của quỹ mở, đồng thời khích lệ các công ty quản lý quỹ phải thông tin thường xuyên về quỹ mở, vì công chúng có biết về quỹ mở, có ấn tượng tốt về quỹ mở thì mới có thể đầu tư.

Thông tư 183 quy định, công ty quản lý quỹ được quảng cáo, cung cấp thông tin và giới thiệu về quỹ qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện truyền tin, các loại xuất bản, ấn phẩm, các loại pa-nô, áp phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông, các vật thể di động hoặc các phương tiện thương mại khác…, chỉ với yêu cầu: quảng cáo phải trung thực.

Nhìn vào không gian được quyền quảng cáo, giới thiệu về quỹ mở mà nhà quản lý quy định các công quản lý quỹ được làm cho thấy, thực tế mới được làm rất nhỏ, quỹ mở mới hiện diện trên một vài tài liệu tự giới thiệu của một vài công ty quản lý quỹ tại Việt Nam.

Trở lại với câu hỏi làm thế nào để NĐT hiểu về quỹ mở, tham gia quỹ mở? Câu trả lời không có gì khác là từ sự nỗ lực tự thân của ngành quỹ, bởi các phương tiện truyền thông khác chỉ có điều kiện để thực hiện truyền thông đậm nét khi ngành quỹ lên tiếng.

Đâu đó, có mong đợi rằng, khi TTCK Việt Nam nhiều hàng hóa hơn, ước gì một vài nhà quản lý quỹ danh tiếng trên thế giới sẽ đến Việt Nam, xác lập cách thức kinh doanh hiện đại của ngành công nghiệp quản lý quỹ để tạo nền cho ngành phát triển.

Ở đó, nói đến quỹ mở là nói đến định hướng kinh doanh dài hạn và mọi khoản chi phí ban đầu để tạo lập quỹ (đào tạo NĐT, truyền thông, quảng bá…), được nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp sử dụng như những chi phí đương nhiên trên chặng đường dài.

>>Nhà đầu tư phía Bắc quan tâm đến quỹ mở ENF

>>Ngày tàn của quỹ đóng