Qũy lớn nhất của VinaCapital tiếp tục lao đao

Qũy lớn nhất của VinaCapital tiếp tục lao đao

(ĐTCK) Sau năm 2019 kém sắc, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý tiếp tục trải qua những ngày đầu năm 2020 không lấy làm dễ chịu, nhất là thời gian gần đây khi dịch cúm do virus Corona bùng phát khiến chứng khoán Việt Nam “đỏ sàn”.

Khởi đầu 2020 kém tích cực

Thời gian qua, VOF có sự thay đổi chiến lược khi giảm bớt danh mục đầu tư trên thị trường vốn và tăng cường đầu tư doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, trước biến động mạnh của TTCK, VOF không thể tránh được tổn thất.

Theo dữ liệu từ Bloomberg và Financial Times, tỷ suất lợi nhuận đầu tư của VOF âm 5,36% trong tháng 1, là tháng đầu tư kém nhất kể từ năm 2016.

Cập nhật tới ngày 3/2, con số này là âm 5,8%. Tại ngày 31/1, giá trị tài sản ròng (NAV)/chứng chỉ quỹ của VOF đạt 4,84 USD, giảm 2,81% so với đầu năm.

Qũy lớn nhất của VinaCapital tiếp tục lao đao ảnh 1

Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục VOF (tính tới báo cáo mới nhất của Quỹ vào cuối tháng 12/2019) không có sự thay đổi so với thời gian trước.

Trong đó, HPG vẫn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 11,8%, tiếp theo lần lượt là KDH, ACV, PNJ, VNM…

Trong những phiên giao dịch nhiều biến động vừa qua, các cổ phiếu thuộc Top 10 chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục VOF (chiếm 56% giá trị tài sản ròng của Quỹ) cùng chung đà giảm giá, với mức giảm mạnh nhất thuộc về cổ phiếu ACV, VNM và PVS.

Sau một năm 2019 thua lỗ

Qũy lớn nhất của VinaCapital tiếp tục lao đao ảnh 2

Theo số liệu Financial Times tổng hợp, trong năm 2019, doanh thu của VOF giảm 94,9%, từ mức 195,37 triệu USD xuống còn 9,96 triệu USD.

Doanh thu giảm cùng với việc gia tăng các chi phí góp phần khiến lợi nhuận ròng của quỹ từ mức tăng 152,74 triệu USD năm 2018 xuống thua lỗ 3,64 triệu USD năm 2019.

Dòng tiền hoạt động đầu tư ghi nhận con số 60,77 triệu USD. Thêm vào đó, Công ty thu về 1,36 triệu USD tiền mặt từ hoạt động, trong khi các chi phí tài chính đạt 60,94 triệu USD.

Tính đến 31/12/2019, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ đạt 915,2 triệu USD, tương đương NAV/chứng chỉ quỹ đạt 5 USD, giảm 0,4% so với tháng trước đó.

Như vậy, tính theo năm, tăng trưởng NAV/chứng chỉ quỹ của VOF là âm 2,7% trong năm 2019, kéo dài thêm vết trượt tăng trưởng âm 9% năm 2018.

Diễn biến này gây thất vọng bởi năm 2019, chỉ số VN-Index tăng 7,7% (tính theo giá trị đồng USD).

Trong những tuần cuối năm 2019, VOF đã tiến gần tới thương vụ đầu tư tư nhân thứ 4 trong năm khi dự định đầu tư 25 triệu USD vào một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam có hoạt động tại lĩnh vực khách sạn, nhà hàng.

Đổi lại, Quỹ sẽ có một ghế trong Hội đồng quản trị.

Các thương vụ đầu tư vào công ty tư nhân của VOF không được công bố quá chi tiết. Một trong những thương vụ nổi nhất của Quỹ trong năm 2019 là việc đầu tư vào Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG) với số vốn góp 17 triệu USD.

Việc chuyển hướng đầu tư bước đầu chưa mang tới những kết quả rõ rệt, nhưng có thể là “may mắn” trong bối cảnh thị trường đang biến động mạnh.

VOF cũng nhận định, chính những diễn biến khó đoán định của thị trường càng thúc đẩy Quỹ thực hiện mục tiêu trong ngắn và trung hạn là gia tăng tỷ trọng nắm giữ các khoản đầu tư tư nhân.

Tính tới cuối năm 2019, tỷ trọng cổ phần tư nhân trong danh mục của VOF đã tăng từ 12,6% vào đầu năm lên 17,1%.

Quy mô đầu tư vào trái phiếu cũng được mở rộng hơn, đạt 3,4% vào cuối năm 2019, trong khi tỷ trọng tiền mặt nắm giữ là 9,1%.

Đáng chú ý, VOF đang đứng “chót bảng” so với các quỹ đầu tư khác về tốc độ tăng trưởng năm 2019 với khoảng cách khá lớn so với nhóm quỹ đứng đầu như VFMVF4, VFMVF1…  

Tin bài liên quan