Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2016 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển. Trong đó, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo; khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phục hồi…
Tăng trưởng GDP quý III/2016 đạt 6,4%, cao hơn quý I (tăng 5,48%) và quý II (tăng 5,78%); tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm…; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao với tổng vốn đăng ký trong 9 tháng ước đạt 16,43 tỷ USD.
Theo đánh giá của Chính phủ, trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao Chính phủ, đến nay 11 chỉ tiêu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức; chỉ còn 2 chỉ tiêu gần hoàn thành, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm; năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn...
Trong bối cảnh khó khăn đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Thủ tướng khẳng định, Chính phủ không điều chỉnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã được Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay là rất khó khăn, vì muốn đạt, GDP trong quý IV/2016 phải tăng khoảng 8,3%. Thủ tướng lưu ý, cùng với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về lượng phải đặc biệt chú ý đến chất lượng tăng trưởng…”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu việc kiểm điểm tình hình cần chú ý các bất cập, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, những tác động của chính sách đã ban hành để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Liên quan đến nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng lưu ý phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh; giải phóng mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế quý IV, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2016, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2017 và những năm tiếp theo; điều hành lạm phát theo mục tiêu, không quá 5%; kiểm soát tốt thị trường, giá cả; tiếp tục đẩy mạnh việc đưa tín dụng vào phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; có các giải pháp hiệu quả để huy động vốn trong dân vào phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh; giám sát chặt chẽ hoạt động, đi liền với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…
Liên quan đến khả năng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, cũng như áp dụng đồng bộ các giải pháp để giảm lãi suất. Trên thực tế, thời gian qua đã có một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng ở một số kỳ hạn.
“Vào thời điểm cuối năm, tín dụng thường tăng cao, nên Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để có chỉ đạo phù hợp. Việc một số ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay…”, bà Hồng nói.