Quyết định 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 quy định cụ thể về thời hạn doanh nghiệp bắt buộc phải niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sau khi hoàn tất cổ phần hóa. Theo đó, đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán, trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết.
Trong khi đó, cuối năm 2014, khá nhiều doanh nghiệp lớn đã tiến hành chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) và đây sẽ là những nguồn hàng khá lớn trên sàn giao dịch trong quý IV/2015.
Cuối năm 2014, khá nhiều đại gia có máu mặt đã tiến hành IPO, như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, IPO ngày 14/11/2014), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex, IPO ngày 12/12), Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, IPO ngày 11/12)…
Trong số 3 đại gia trên, Đạm Cà Mau tỏ ra nhanh chân hơn cả khi đã đưa cổ phiếu lên niêm yết ngay từ cuối tháng 3, sớm hơn khá nhiều so với thời hạn quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Đạm Cà Mau cho biết, tháng 7/2015, HĐQT Công ty đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2015. Tuy vậy, kế hoạch điều chỉnh này không làm thay đổi chỉ tiêu đã đề ra của cả năm 2015 tính cho cả 2 giai đoạn trước và sau khi chuyển thành công ty cổ phần. Về kết quả kinh doanh nửa đầu 2015, Đạm Cà Mau đạt tổng doanh thu 3.151 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 584 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch năm.
Trong khi đó, các đại gia khác như Vietnam Airlines và Seaprodex hiện vẫn chưa niêm yết. Theo đó, nếu các đại gia này tuân thủ đúng Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì nhà đầu tư sẽ không phải chờ lâu để được giao dịch, mua bán cổ phiếu các doanh nghiệp khủng này trên sàn chứng khoán.
Chỉ tính riêng 2 công ty trên, nếu cổ phiếu được đưa lên giao dịch sẽ là một nguồn hàng rất lớn cho thị trường.
Cụ thể, riêng Vietnam Airlines đã có 49 triệu cổ phiếu nằm trong tay nhà đầu tư đại chúng, trong đó, có 2 nhà đầu tư tổ chức là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Ngoài ra, đã có hơn 1.600 nhà đầu tư cá nhân là cổ đông của đại gia số 1 ngành hàng không Việt Nam này.
Với Seaprodex, hơn 45 triệu cổ phiếu cũng đã nằm trong tay các nhà đầu tư đại chúng. Là đại gia số 1 của ngành thủy sản, nên khi niêm yết, Seaprodex cũng sẽ là một tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Đến hết năm 2014, tổng sản lượng chế biến thủy sản của Seaprodex đạt 6.817 tấn, tăng 17% so với năm 2013. Tổng doanh thu 3.566 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất 187,6 tỷ đồng, vượt 134% kế hoạch và tăng 113% so 2013.
Năm 2015, Seaprodex đặt kế hoạch tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt 6.642 tấn, kim ngạch 78 triệu USD. Tổng doanh thu 2.560 tỷ đồng, lãi trước thuế 83,7 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ là 47 tỷ đồng.
Ngoài các đại gia như Vietnam Airlines và Seaprodex, cuối năm 2014 cũng là giai đoạn tốc độ cổ phần hóa được đẩy khá nhanh, riêng tháng 12/2014 đã có 13 doanh nghiệp tiến hành IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Tất cả các công ty này đều sẽ là đối tượng phải “lên dây cót” niêm yết trong giai đoạn từ nay đến cuối năm để tuân thủ đúng quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg.
Một số gương mặt nằm trong số này có thể kể ra như Công ty Đầu tư phát triển Thủ Thiêm, Công ty Cảng sông TP.HCM, Công ty Đóng tàu An Phú, Công ty Công trình đô thị Bến Tre, Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn, Công ty Dịch vụ du lịch Bến Thành, Công ty Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông - vận tải, Công ty Trục vớt cứu hộ Việt Nam…