Mặc dù giá vốn hàng bán đã giảm 14% song vẫn lên tới 487 tỷ đồng, dẫn đến Công ty lỗ gộp gần 10 tỷ đồng, trong khi quý III/2021 lãi 12 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm tới 203% trong kỳ.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng đều tăng gấp đôi nên Vicasa lỗ thuần 23 tỷ đồng và lỗ sau thuế 22 tỷ đồng. Đây là quý lỗ nặng nhất của Công ty kể từ khi niêm yết (năm 2010).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 1.834 tỷ đồng, lãi gộp 12 tỷ đồng, giảm 4% và 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi chi phí, doanh nghiệp lỗ trước thuế 12 tỷ đồng và lỗ sau thuế 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi 53 tỷ đồng và 42 tỷ đồng.
Lý giải về điều này, ông Huỳnh Công Du, Tổng giám đốc VNSteel cho biết, do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine, chính sách Zero Covid-19 của Trung Quốc cũng như lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, chính sách siết "room" tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Thép Vicasa là 531 tỷ đồng, giảm 8% so với thời điểm đầu năm, trong đó 70% tổng tài sản là hàng tồn kho.
Tổng nợ tăng nhẹ 4% lên 353 tỷ đồng, vốn chủ giảm sâu 25% còn 178 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối hiện đang âm hơn 9 tỷ đồng, so với con số dương 53 tỷ đồng hồi đầu năm.
Nợ phải trả của công ty tại thời điểm cuối quý III/2022 hơn 352,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay tài chính ngắn hạn từ các ngân hàng với mức 244 tỷ đồng.
So với mục tiêu lãi trước thuế cả năm là 20 tỷ đồng, kết quả lỗ 12 tỷ đồng sau 9 tháng khiến doanh nghiệp đang cách rất xa kế hoạch năm.
Kết phiên 17/10, mã VCA đứng giá 13.600 đồng/cổ phiếu, giảm 6,21% so với phiên trước liền kề và giảm gần 10% so với 2 tuần trước.
Ngoài Vicasa, nhiều doanh nghiệp thép khác cũng báo lỗ sau 9 tháng đầu năm, như Thép Thủ Đức (TDS) âm 15,8 tỷ đồng; Gang thép Cao Bằng (CBI) tuy vẫn có lãi 40 tỷ đồng nhưng đã giảm 187% so với con số 303 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân tình hình ảm đạm của ngành thép gần đây là do chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả vật tư biến động thất thường, chi phí lãi vay tăng cao...
Hiện tại, triển vọng nhu cầu tiêu thụ thép thế giới chưa chắc chắn do lo ngại tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia.
Nhìn về triển vọng cả năm, SSI Research cho rằng, lợi nhuận năm 2022 của một số doanh nghiệp thép niêm yết sẽ giảm mạnh so với năm 2021 do xuất khẩu thép của Việt Nam có thể giảm tốc trong hai quý cuối năm 2022.