Quý III/2021, lượng giao dịch đất nền gấp gần 10 lần căn hộ

Quý III/2021, lượng giao dịch đất nền gấp gần 10 lần căn hộ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đánh giá ảnh hưởng của Covid-19 là rất nghiêm trọng, báo cáo tình hình thị trường bất động sản trong quý III/2021 do Bộ Xây dựng công bố mới đây cho biết, sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Nguồn cung sụt giảm mạnh

Trong quý III/2021, trên cả nước có 39 dự án với 19.117 căn hộ được cấp phép, bằng khoảng 70% so với quý II/2021; 703 dự án với 245.181 căn đang triển khai xây dựng, bằng khoảng 70% so với quý II/2021; 50 dự án với 7.444 căn hoàn thành.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2021, có 201 dự án với 84.544 căn được cấp phép, có 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành, vẫn tập trung mạnh ở khu vực phía Nam với hơn 11.065 căn được cấp phép, trong khi khu vực phía Bắc chỉ bằng một nửa so với khu vực phía Nam ở mức hơn 5.232 căn.

Số lượng dự án nhà ở xã hội sụt giảm mạnh khi chỉ có duy nhất 1 dự án được cấp phép mới với quy mô 41 căn tại Lạng Sơn. Hiện nay, có 83 dự án với 112.733 căn đang triển khai; 3 dự án với 458 căn hoàn thành; 4 dự án với 1.810 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Lũy kế, trong 9 tháng đầu năm 2021, trên cả nước có 6 dự án nhà ở xã hội với 2.402 căn được cấp phép mới; 11 dự án với 1.352 căn hoàn thành.

Đối với phân khúc đất nền, trong quý III/2021, theo số liệu tổng hợp từ 59/63 địa phương có báo cáo, có 29 dự án với 4.010 ô đất nền được cấp phép; 234 dự án với 73.462 ô đất nền đang triển khai; 15 dự án với 772 ô đất nền hoàn thành.

Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú, trên cả nước có 26 dự án mới với 1.308 biệt thự du lịch được cấp phép, tập trung chủ yếu tại Bình Thuận, Lâm Đồng; có 54 dự án với 14.572 căn hộ du lịch là 3.942 biệt thự du lịch đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa (25 dự án), Quảng Nam (16 dự án) và Phú Yên (6 dự án); có 12 dự án với 165 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành, tập trung chủ yếu tại Quảng Nam (5 dự án), Quảng Ngãi (5 dự án).

Lượng giao dịch đất nền vượt trội so với các phân khúc khác

Trong quý III/2021, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 11.615 giao dịch thành công (tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Hưng Yên), tuy nhiên, tổng lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 39% so với quý II/2021. Trong khi đó, lượng giao dịch đất nền là 107.167 giao dịch thành công.

“Nhìn chung, các giao dịch thành công tập trung chủ yếu ở phân khúc đất nền, số lượng giao dịch bất động sản nhà ở cao cấp giảm hơn so với quý trước”, Bộ Xây dựng đánh giá.

Tình hình giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh/thành phố tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã tác động tiêu cực đến quá trình giao dịch bất động sản trên địa bàn. Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các giao dịch bất động sản thứ cấp hầu như không có. Một số giao dịch mới chỉ dừng lại ở việc chuyển tiền đặt cọc rồi chờ đến khi hết giãn cách thì sẽ hoàn tất các thủ tục mua bán.

Tuy vậy, thống kê Bộ Xây dựng cho thấy, mặt bằng giá các căn hộ đã nâng lên khá cao khi các căn hộ bình dân hiện tại đều có mức giá tối thiểu từ 25 - 30 triệu đồng/m2, trong khi giá căn hộ trung cấp nâng lên 30 - 50 triệu đồng/m2. Cá biệt, có những căn hộ được chào bán với giá lên tới 250 triệu đồng/m2.

Ở phân khúc đất nền, Bộ Xây dựng cho biết, giá đất nền cơ bản không thay đổi so với quý trước. Tại khu vực miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội, giá đất nền vẫn ở ngưỡng cao, hầu như chưa giảm so với quý II. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, thị trường đất nền có dấu hiệu giảm giá cục bộ ở một số dự án và khu vực tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh. Mức giảm khoảng 5 - 7% so với tháng 5 (giai đoạn trước khi dịch bùng phát mạnh).

Đối với thị trường văn phòng cho thuê, phân khúc hạng A gần như không bị ảnh hưởng, không có biến động nhiều nhưng phân khúc hạng B, C - doanh nghiệp trả mặt bằng ước chiếm 30%. Nhiều chủ đầu tư giảm nhẹ giá thuê và nhiều tòa nhà chấp nhận thương lượng thêm nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho khách thuê mới trong bối cảnh dịch bệnh. Do thiệt hại nặng từ Quý III nên bước sang Quý IV, phân khúc này chỉ có thể phục hồi khi xã hội “bình thường mới” hoàn toàn, nền kinh tế bắt nhịp trở lại.

Trong thời gian qua, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được xem là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ yếu tố dịch bệnh. Hầu hết các hoạt động tê liệt vì giãn cách xã hội. Nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu. Tuy nhiên, các dự án phát triển bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan, đặc biệt là các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn về môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các chủ đầu tư có uy tín cao trên thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn luôn tin tưởng vào sự phát triển kinh tế du lịch ở Việt Nam sẽ phát triển trở lại và hoạt động đi lại, du lịch được mở cửa lại trong thời gian tới.

Khó có chuyển biến đột phá

Theo Bộ Xây dựng, từ đầu tháng 10/2021, nhiều thành phố lớn và nhiều địa phương trên cả nước hoàn thành cơ bản tiêm vắc-xin cho người từ 18 tuổi, cùng với việc sàng lọc cách ly người lây nhiễm COVID-19, tạo ra nhiều khu vùng xanh an toàn. Các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Mặc dù vậy, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng. Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó dòng vốn sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.

Tin bài liên quan