Quý III/2021, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) lãi cao kỷ lục hơn 37 tỷ đồng, tăng trưởng 76% cùng kỳ

Quý III/2021, Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) lãi cao kỷ lục hơn 37 tỷ đồng, tăng trưởng 76% cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán TAR) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, doanh thu thuần quý III của Công ty đạt 726 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và lợi nhuận sau thuế hơn 37 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ và là con số cao kỷ lục theo quý của TAR.

Trong kỳ, các chi phí không có quá nhiều biến động, như chi phí tài chính 17,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp 5,2 tỷ đồng, giảm nhẹ. Còn chi phí bán hàng 10 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.

Trước đó, TAR cũng công bố con số ước tính kinh doanh khá sát với kết quả thực tế, và cho biết, lợi nhuận tăng mạnh nhờ Công ty đã chuyển chiến lược tập trung xuất khẩu dòng gạo hữu cơ cao cấp có giá xuất khẩu cao hơn, đồng thời khai thác canh tác toàn bộ diện tích Cánh đồng mẫu Kiên Giang theo quy trình mới, cải tiến kỹ thuật làm đất, tưới tiêu, phun, sạ… giúp tiết giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất lúa thu hoạch.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, TAR đạt 1.955 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế 57,4 tỷ đồng.

Mới đây, TAR vừa trúng gói thầu cung cấp 25.413 tấn gạo trong chương trình đàm phán mua gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Quyết định 1415/ QĐ-TTg ngày 20/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Với mức giá trúng thầu là 9.848 đồng/kg, tổng trị giá của hợp đồng này lên tới hơn 250 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III/2021, tổng tài sản của TAR là 2.070 tỷ đồng, tăng gần 51% so với đầu năm. Đáng chú ý, với khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh lên 376 tỷ đồng, gấp 5,44 lần (chủ yếu phải thu khách hàng ngắn hạn và trả trước cho người bán) và hàng tồn kho ghi nhận 1.050 tỷ đồng, tăng 60% so với 1/1/2021. Ngoài ra, tài sản cố định hữu hình ghi nhận 450,66 tỷ đồng, tăng hơn 138% so với đầu năm.

Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ ngắn hạn 1.390 tỷ đồng, tăng 85%, trong đó người mua trả tiền trước gần 97 tỷ đồng, gấp 5,7 lần và nợ vay ngắn hạn 1.187 tỷ đồng, tăng 69%. Nợ vay dài hạn ghi nhận 36 tỷ đồng.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty TAR cho biết, doanh thu và lợi nhuận từ các hợp đồng bán gạo trong nước và xuất khẩu sẽ được ghi nhận vào quý IV. Theo tính toán, lợi nhuận từ mảng cốt lõi của TAR trong quý IV/2021 có thể sẽ đạt 47- 50 tỷ đồng.

Cuối tháng 9, HĐQT TAR thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng đất tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Giá trị chuyển nhượng không thấp hơn 300 tỷ đồng. Được biết, lô đất thuộc sở hữu TAR có vị trí đắc địa, nằm gần Vinpearl Cần Thơ, sát ngay con đường mới mở dọc ven bờ sông Hậu, nối dài từ bến Ninh Kiều, dự kiến hoàn thành quý II/2022.

Theo tính toán, nếu kịp hoàn thành trong quý IV và tính cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính, lợi nhuận năm nay của TAR dự kiến đạt tối thiểu 300 tỷ đồng, tương đương EPS dự phóng khoảng hơn 6.500 đồng/cổ phiếu.

Báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy, TAR có ghi nhận giá trị bất động sản cuối kỳ là 88,6 tỷ đồng (không thuyết minh rõ giá trị ghi sổ từng bất động sản).

Tin bài liên quan