Theo đó, trong quý II/2022, Tisco ghi nhận doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ về 3.189,54 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm tới 90,1% về chỉ còn 5,79 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 12,9% về chỉ còn 1,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 89,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 410,24 tỷ đồng về 46,66 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 92,2%, tương ứng tăng thêm 4,97 tỷ đồng lên 10,36 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 65,1%, tương ứng giảm 65,72 tỷ đồng về 35,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 89,8%, tương ứng giảm 286,32 tỷ đồng về 2,54 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý II, mặc dù Công ty đã tiết giảm chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính nhưng lợi nhuận vẫn giảm mạnh, nguyên nhân do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn nên dẫn tới lợi nhuận gộp giảm tới 410,24 tỷ đồng.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Tisco ghi nhận doanh thu tăng 5,7% so với cùng kỳ lên 6,922,71 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 66,1% về 34,98 tỷ đồng.
Năm 2022, Tisco đặt kế hoạch doanh thu đạt 20.105 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ; song lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 90 tỷ đồng, giảm mạnh 42%. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 47,9 tỷ đồng, Công ty hoàn thành 53,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Thực tế giá thép từ tháng 10/2021 tới 14/7/2022 đã giảm khoảng 34% và tiếp tục xu hướng giảm. Việc giá thép tiếp tục giảm, điều này dẫn tới lo ngại các công ty hoạt động trong lĩnh vực thép phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho trong các quý tiếp theo.
Giá thép thế giới giảm từ tháng 10/2021 tới nay (Nguồn: Tradingeconomics). |
Không những lợi nhuận bắt đầu lao dốc, dòng tiền kinh doanh chính trong 6 tháng đầu năm ghi nhận âm 172,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 341,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 18,3 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 156,9 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh chính âm.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Tisco tăng 5,1% so với đầu năm lên 10.855,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn đạt 6.192,1 tỷ đồng, chiếm 57% tổng tài sản; tồn kho đạt 2.048,2 tỷ đồng, chiếm 18,9% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 1.272,7 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, Tisco đã tăng tồn kho 42,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 612,9 tỷ đồng lên 2.048,2 tỷ đồng. Trong đó, Công ty thuyết minh tồn kho chủ yếu 1.357,8 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu; 523,4 tỷ đồng thành phẩm; 161 tỷ đồng chi phí xây dựng, kinh doanh dở dang. Như vậy, việc Công ty tăng tồn kho điều này dẫn tới dòng tiền kinh doanh chính âm và phải tăng vay nợ bù đắp thâm hụt dòng tiền.
Về cơ cấu nợ vay, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng nợ vay thêm 4,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 197,1 tỷ đồng và đạt 4.519,5 tỷ đồng, chiếm 42,6% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/7, cổ phiếu TIS tăng 300 đồng lên 8.600 đồng/cổ phiếu.