Năm 2015, khối lượng và giá trị giao dịch trên UPCoM tăng đột biến

Năm 2015, khối lượng và giá trị giao dịch trên UPCoM tăng đột biến

Quý II sẽ phân bảng trên sàn UPCoM

(ĐTCK) “Dự kiến, quý II/2016, Sở GDCK Hà Nội (HNX) sẽ phân bảng sàn UPCoM sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phê duyệt đề án chi tiết”, Phó tổng giám đốc HNX Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết.

Khoảng 100 DN “hạng 1”

Sau nhiều năm hoạt động mờ nhạt, sàn UPCoM đã tạo bước đột phá trong năm qua, khi hết năm 2015, tốc độ tăng trưởng quy mô đăng ký giao dịch trên UPCoM bình quân đạt 34%/năm. Hiện có 256 DN trên UPCoM, với tổng giá trị vốn hóa trên 60.000 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong tháng 12/2015, có tới 15 DN đăng ký giao dịch mới trên UPCoM. Không chỉ UPCoM-Index tăng, trong tháng cuối cùng của năm 2015, thị trường chứng kiến khối lượng và giá trị giao dịch trên UPCoM tăng đột biến, khi bình quân khối lượng giao dịch đạt 9,62 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 140,98 tỷ đồng/phiên, lần lượt tăng 324% và 698% so với tháng 11/2015.

Sự tăng trưởng đột biến của UPCoM, ngoài lý do chính là gắn chặt cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các DNNN với đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK, còn có một yếu tố nữa là tính hấp dẫn của sàn UPCoM liên tục được cải thiện. Chẳng hạn, HNX nâng biên độ dao động giá chứng khoán trên UPCoM từ ± 10% lên ± 15% kể từ ngày 1/7/2015.

Mới đây, HNX đã áp dụng cách tính mới cho chỉ số UPCoM-Index. Theo đó, UPCoM- Index được tính theo phương pháp tính giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của tất cả các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên HNX có tỷ lệ tự do chuyển nhượng lớn hơn hoặc bằng 5%.

Thay vì tính gộp tất cả cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, cách tính mới cho chỉ số UPCoM- Index chỉ tính các cổ phiếu sẵn sàng giao dịch trên thị trường, loại bỏ những cổ phiếu không được phép giao dịch như: cổ phiếu do Nhà nước nắm giữ, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, cổ phiếu của cổ đông sáng lập hay của NĐT chiến lược trong thời kỳ bị hạn chế chuyển nhượng...

Để gia tăng tính hấp dẫn cho sàn UPCoM, từ đó thu hút thêm NĐT tham gia và các DN lên đăng ký giao dịch, tại hội nghị tập huấn các quy định mới hướng dẫn về công bố thông tin, đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK, do UBCK phối hợp với HNX tổ chức mới đây, ông Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết, việc phân bảng sàn UPCoM đã được UBCK chấp thuận về nguyên tắc, nên HNX sẽ căn cứ vào 3 tiêu chí chính để phân bảng: quy mô vốn, quản trị công ty, hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

“Trên cơ sở đó, HNX sẽ chia UPCoM thành bảng UPCoM 1 gồm các DN có quy mô vốn lớn, tình hình quản trị và sản xuất - kinh doanh tốt với khoảng 60 - 100 công ty, các DN còn lại sẽ giao dịch trên bảng khác. Dự kiến, quý II/2016, việc phân bảng sẽ được HNX triển khai sau khi UBCK phê duyệt đề án chi tiết”, ông Trung nói. 

Sẽ thêm khu vực giao dịch “tiền UPCoM”

Liên quan đến định hướng cải cách sàn UPCoM, ông Trung cho hay, trong tờ trình của HNX lên UBCK có đề xuất giải pháp kỹ thuật Pre-UPCoM. Đây là khu vực dành cho giao dịch cổ phiếu của các DNNN ngay sau phiên IPO. Theo đó, cổ phiếu của NĐT trúng giá sẽ được giao dịch trên Pre- UPCoM sau khi hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần, qua đó tạo thuận lợi cho NĐT giao dịch cổ phiếu. Tiếp đó, sau khi hoàn tất một số thủ tục, các cổ phiếu này sẽ chuyển lên giao dịch trên UPCoM.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCK cho biết, UBCK đang cùng với HNX xem xét triển khai giải pháp kỹ thuật mới trên, để cổ phiếu của các DN sau IPO rộng rãi ra công chúng thì sẽ đăng ký giao dịch ngay trên Pre-UPCoM, mà không phải đợi công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hậu cổ phần hóa mới được lên UPCoM như trước đây.

“Khi cơ chế giao dịch tiền UPCoM như trên được triển khai, sẽ góp phần tăng thanh khoản và quy mô cho thị trường, đồng thời giúp NĐT dễ dàng giao dịch cổ phiếu mua từ đợt IPO. Từ đó góp phần gia tăng tính hấp dẫn cho các đợt IPO, thúc đẩy cổ phần hóa các DNNN”, ông Sơn nói.        

Tin bài liên quan