TS. Nguyễn Sơn

TS. Nguyễn Sơn

Quý II sẽ có Thông tư mới về công bố thông tin

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa phối hợp với 2 Sở GDCK tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện khung pháp lý về công bố thông tin trên TTCK” tại TP. HCM và Hà Nội.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, qua hai hội thảo, UBCK tiếp thu ý kiến của các thành viên trên thị trường để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin, trình Bộ Tài chính ban hành trong thời gian tới.

Tại sao lại đặt ra vấn đề sửa đổi Thông tư 52 vào thời điểm này, thưa ông ?

Việc sửa đổi Thông tư 52 xuất phát từ một số lý do cơ bản sau: Thứ nhất, qua 3 năm triển khai thực hiện Thông tư 52, bên cạnh những mặt tích cực như giúp cho thị trường phát triển minh bạch hơn, thì cũng đã xuất hiện các bất cập liên quan đến khái niệm nhóm người có liên quan, vấn đề thời gian lập và công bố thông tin (CBTT) báo cáo tài chính (BCTC) của DN có mô hình công ty mẹ - con, vấn đề CBTT của các mô hình quỹ mới như ETF…, đòi hỏi cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, việc lập báo cáo thường niên cũng đặt ra yêu cầu bổ sung các quy định về xây dựng báo cáo phát triển bền vững của DN để tăng tính cộng đồng và trách nhiệm xã hội.

Thứ hai, Luật Doanh nghiệp mới được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ tháng 7/2015 tới có những thay đổi khá căn bản so với các quy định hiện hành như: tỷ lệ cổ phiếu để tổ chức ĐHCĐ lần đầu là 51% (hiện là 65%); DN được lựa chọn nhiều người đại diện theo pháp luật; DN được quyền lựa chọn sử dụng hay không sử dụng con dấu… Đây là những nội dung mới, cần phải được quy định vào các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán như CBTT, quản trị công ty thì mới thực hiện được.

Thứ ba, Việt Nam đang làm việc với tổ chức MSCI để nâng hạng TTCK Việt Nam từ nhóm thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi nhằm thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có tiêu chí minh bạch của thị trường thông qua việc cung cấp thông tin về TTCK bằng tiếng Anh từ cơ quan quản lý đến các thành viên thị trường. Việc này đặt ra vấn đề phải quy định CBTT bằng tiếng Anh đối với các đối tượng tham gia thị trường ở mức độ thích hợp. 

Dự thảo sửa đổi Thông tư 52 quy định, các DN niêm yết có quy mô vốn hóa lớn sẽ phải CBTT đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của quy định này, quan điểm của ông như thế nào?

Dự thảo có đưa ra quy định, công ty niêm yết quy mô lớn hoặc có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao (vốn điều lệ thực góp từ 500 tỷ đồng trở lên hoặc có sở hữu nước ngoài từ 20% trở lên liên tục trong vòng 1 năm) phải CBTT đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh trên website của DN. Trong đó, ngoài các thông tin cơ bản như BCTC, báo cáo thường niên, điều lệ công ty… được công bố định kỳ, thì các thông tin bất thường và theo yêu cầu như nghị quyết ĐHCĐ, nghị quyết HĐQT phải CBTT trong vòng 24 giờ kể từ khi CBTT bằng tiếng Việt. Đối với các công ty niêm yết còn lại thì chỉ CBTT một số thông tin cơ bản về BCTC, báo cáo thường niên và các nghị quyết.

Thực tế, mặc dù Thông tư 52 chỉ khuyến khích DN CBTT bằng tiếng Anh, nhưng trong nhóm 30 công ty niêm yết quy mô lớn trên HOSE và HNX được yết tên trên Bảng giao dịch ASEAN Exchange cũng đã thực hiện CBTT bằng tiếng Anh để các nhà đầu tư nước ngoài tham khảo. Vì vậy, việc lựa chọn danh mục công ty phải CBTT bằng tiếng Anh theo quy mô nói trên là tương đối phù hợp (khoảng 100 công ty trên HOSE và 34 công ty trên HNX).

Tuy nhiên, qua trao đổi thảo luận tại các hội thảo, các thành viên thị trường bên cạnh việc nhất trí cần thiết yêu cầu DN phải CBTT bằng tiếng Anh, thì cũng đặt ra mức độ nội dung CBTT đến đâu, tính pháp lý của nội dung bằng tiếng Anh, thời gian chậm CBTT so với nội dung tiếng Việt cho hợp lý để phục vụ công tác biên dịch và cần có lộ trình thực hiện dài hơn để DN chuẩn bị tốt về mặt nhân sự, hệ thống. 

Các quỹ đại chúng cho rằng, dự thảo Thông tư 52 đưa thành viên lập quỹ vào đối tượng người nội bộ là chưa phù hợp. Quan điểm của ông?

Hiện tại, Thông tư 52 không quy định về CBTT của quỹ mở và quỹ ETF, hoạt động này được quy định tại Thông tư 183 về quỹ mở và Thông tư 229 về quỹ ETF. Sau khi quỹ ETF đi vào hoạt động, một số vấn đề phát sinh liên quan đến CBTT như: xem xét lại quy định các thành viên lập quỹ vào nhóm đối tượng người liên quan; các quỹ CBTT giá trị tài sản ròng hàng ngày thì không cần thiết phải công bố theo tuần... Những bất cập nêu trên là điều khó tránh khỏi khi chúng ta mới đưa vào hoạt động một sản phẩm mới từ 3 - 6 tháng. Do vậy, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có thể sửa đổi Thông tư 229 hoặc đưa nội dung này vào Thông tư 52 sửa đổi. 

Thưa ông, dự kiến khi nào Thông tư 52 sửa đổi được ban hành?

Theo kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật, Thông tư 52 sẽ được hoàn chỉnh để trình Bộ Tài chính ban hành trong quý II/2015. Tuy nhiên, một số quy định tại Thông tư này như việc CBTT bằng tiếng Anh có thể sẽ được xem xét lùi thời điểm áp dụng từ 3 - 6 tháng so với thời điểm có hiệu lực của văn bản để giúp DN có thời gian chuẩn bị.

Tin bài liên quan